Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

ANH HÙNG ÔM CHÂN VOI

CHUYỆN TÀO LAO SỐ 1

(Còn có tên khác là: ANH HÙNG ÔM CHÂN VOI)


Rảnh rỗi sinh nông nổi, không biết làm gì, không lẽ lại như ai kia: “Thành nhật lao tao tự cổ cầm”, nôm na là gãi ghẻ (trích trong Ngục Trung Nhật Ký). Khổ cái là không có ghẻ để gãi, giá như có ghẻ giống thời kỳ sau 75 cả nước bị ghẻ, ai ai cũng biết cái món gảy đàn cờ lát xích! Nên đành giết thời gian bằng cách chép lại mấy câu chuyện theo phong cách tào lao!

Hồi đó không rõ là năm nào, chỉ biết cũng không xưa lắm, ở nước Vệ địa hình đồi núi chập chùng, đi lại khó khăn, làm gì có xe vượt địa hình như bây giờ, phương tiện chủ yếu là voi, nên đối với dân nước Vệ con voi vô cùng quý giá. Ngày nọ, Bát ca ca (không phải ca ca thứ 8, mà vị huynh đệ này họ Bát) cùng một số chiến sinh dẫn voi đi … dạo (giống như dân quý tộc bây giờ hay dẫn thú cưng đi dạo vậy), khổ nỗi là đường đèo dốc vực sâu mà lại đường đất đá chứ có phải trơn tru như đường nhựa đâu, chú voi nhà ta thì cũng cóc phải thú cưng mấy hôm liên tiếp phải thồ hàng phờ hết cả râu … voi, vì vậy chân bước liêu xiêu trượt một phát ngã đánh đùng rồi tuột dần xuống vực, các chiến sinh la hét um củ tỏi trong vô vọng không biết “nàm thao”. Chợt một bóng người bổ nhào vào giữa hai chân sau con voi, mọi người không hiểu chuyện gì đã xảy ra chỉ thấy con voi rống lên một tiếng kinh thiên động địa vang dậy núi rừng rồi nhảy dựng lên, bụi đất mịt mù. Sau khi bụi mù tan dần, các chiến sinh vui sướng reo hò tở mở vì thấy con voi đứng sừng sững giữa đường vô sự, nhưng liền đó mọi người sững lại vì nghe tiếng thều thào: “ĐM cứu ta với”, nhìn quanh thì thấy Bát ca ca đang nằm sát mép vực với một chân be bét máu me.

Các chiến sinh hè nhau lôi Bát ca ca ra khỏi mép vực, đặt nằm trên vạt cỏ ven đường sát vách núi để cứu chữa, các chiến sinh khác cũng ngồi phệt xuống xung quanh pha trà ngồi giải lao. Khoảng chừng hết một tuần trà thì Bát ca ca hé mở cặp mắt, tuy cũng còn hơi lờ đờ nhưng đã có dấu hiệu của sự sống, thều thào: “ĐM thằng chó nào chơi ác đẩy tao bay ngay vào giữa hai chân con voi, may mà tao nhanh tay chụp được cái chân giữa của nó chứ không thì không biết thế nào”.

Mọi người hiểu ra, tất cả cười ầm lên nhưng cũng an ủi: “Thôi, cũng nhờ vậy mà cứu được con voi khỏi bị rơi xuống vực, còn huynh đài chỉ bị què có mỗi cái chân và xây xát tí chút không nguy hiểm tính mạng là tốt rồi”.

Thì ra khi Bát ca ca hoảng hốt túm chặt đu lấy của quý con voi, làm nó đau quá nên lồng lên, vô tình lại vọt lên được mặt đường, trong lúc đó thì Bát ca ca nhà ta cũng bị quăng quật qua lại va chạm với vách đá nên trầy da tróc vẩy bầm dập máu me tùm lum.

Chỉ có điều từ bấy giờ trở đi, con voi căm lắm, thấy Bát ca ca ở đâu là nhào tới như muốn dẫm nát chàng, cho nên Bát ca ca cũng cạch mặt con voi, thấy voi từ xa là Bát ca ca mặc dù chống tó nhưng cũng vọt rất lẹ. Được cái có thằng bạn nối khố của Bát ca ca vì thấy sau tai nạn đu…voi bạn mình trở thành Độc Cước Lãng Nhân (gã một chân lãng xẹt), nên thương hại tung tin cho mọi người trong toàn nước Vệ biết là Bát ca ca anh hùng hy sinh một giò vì cứu con voi./.

Chuyện ghi chép theo trí nhớ của các bô lão nước Vệ và có một dị bản cho rằng Bát ca ca bị voi đạp nát bét chết không toàn thây, chứ không phải chỉ gãy chân, nên không biết thực hư thế nào.

22/3/2016 . Viết xong tại Nguyễn Gia Trang

Tái bút: Có chuyện số 1 ắt sẽ có chuyện số 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét