Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

ANH HÙNG ÔM CHÂN VOI

CHUYỆN TÀO LAO SỐ 1

(Còn có tên khác là: ANH HÙNG ÔM CHÂN VOI)


Rảnh rỗi sinh nông nổi, không biết làm gì, không lẽ lại như ai kia: “Thành nhật lao tao tự cổ cầm”, nôm na là gãi ghẻ (trích trong Ngục Trung Nhật Ký). Khổ cái là không có ghẻ để gãi, giá như có ghẻ giống thời kỳ sau 75 cả nước bị ghẻ, ai ai cũng biết cái món gảy đàn cờ lát xích! Nên đành giết thời gian bằng cách chép lại mấy câu chuyện theo phong cách tào lao!

Hồi đó không rõ là năm nào, chỉ biết cũng không xưa lắm, ở nước Vệ địa hình đồi núi chập chùng, đi lại khó khăn, làm gì có xe vượt địa hình như bây giờ, phương tiện chủ yếu là voi, nên đối với dân nước Vệ con voi vô cùng quý giá. Ngày nọ, Bát ca ca (không phải ca ca thứ 8, mà vị huynh đệ này họ Bát) cùng một số chiến sinh dẫn voi đi … dạo (giống như dân quý tộc bây giờ hay dẫn thú cưng đi dạo vậy), khổ nỗi là đường đèo dốc vực sâu mà lại đường đất đá chứ có phải trơn tru như đường nhựa đâu, chú voi nhà ta thì cũng cóc phải thú cưng mấy hôm liên tiếp phải thồ hàng phờ hết cả râu … voi, vì vậy chân bước liêu xiêu trượt một phát ngã đánh đùng rồi tuột dần xuống vực, các chiến sinh la hét um củ tỏi trong vô vọng không biết “nàm thao”. Chợt một bóng người bổ nhào vào giữa hai chân sau con voi, mọi người không hiểu chuyện gì đã xảy ra chỉ thấy con voi rống lên một tiếng kinh thiên động địa vang dậy núi rừng rồi nhảy dựng lên, bụi đất mịt mù. Sau khi bụi mù tan dần, các chiến sinh vui sướng reo hò tở mở vì thấy con voi đứng sừng sững giữa đường vô sự, nhưng liền đó mọi người sững lại vì nghe tiếng thều thào: “ĐM cứu ta với”, nhìn quanh thì thấy Bát ca ca đang nằm sát mép vực với một chân be bét máu me.

Các chiến sinh hè nhau lôi Bát ca ca ra khỏi mép vực, đặt nằm trên vạt cỏ ven đường sát vách núi để cứu chữa, các chiến sinh khác cũng ngồi phệt xuống xung quanh pha trà ngồi giải lao. Khoảng chừng hết một tuần trà thì Bát ca ca hé mở cặp mắt, tuy cũng còn hơi lờ đờ nhưng đã có dấu hiệu của sự sống, thều thào: “ĐM thằng chó nào chơi ác đẩy tao bay ngay vào giữa hai chân con voi, may mà tao nhanh tay chụp được cái chân giữa của nó chứ không thì không biết thế nào”.

Mọi người hiểu ra, tất cả cười ầm lên nhưng cũng an ủi: “Thôi, cũng nhờ vậy mà cứu được con voi khỏi bị rơi xuống vực, còn huynh đài chỉ bị què có mỗi cái chân và xây xát tí chút không nguy hiểm tính mạng là tốt rồi”.

Thì ra khi Bát ca ca hoảng hốt túm chặt đu lấy của quý con voi, làm nó đau quá nên lồng lên, vô tình lại vọt lên được mặt đường, trong lúc đó thì Bát ca ca nhà ta cũng bị quăng quật qua lại va chạm với vách đá nên trầy da tróc vẩy bầm dập máu me tùm lum.

Chỉ có điều từ bấy giờ trở đi, con voi căm lắm, thấy Bát ca ca ở đâu là nhào tới như muốn dẫm nát chàng, cho nên Bát ca ca cũng cạch mặt con voi, thấy voi từ xa là Bát ca ca mặc dù chống tó nhưng cũng vọt rất lẹ. Được cái có thằng bạn nối khố của Bát ca ca vì thấy sau tai nạn đu…voi bạn mình trở thành Độc Cước Lãng Nhân (gã một chân lãng xẹt), nên thương hại tung tin cho mọi người trong toàn nước Vệ biết là Bát ca ca anh hùng hy sinh một giò vì cứu con voi./.

Chuyện ghi chép theo trí nhớ của các bô lão nước Vệ và có một dị bản cho rằng Bát ca ca bị voi đạp nát bét chết không toàn thây, chứ không phải chỉ gãy chân, nên không biết thực hư thế nào.

22/3/2016 . Viết xong tại Nguyễn Gia Trang

Tái bút: Có chuyện số 1 ắt sẽ có chuyện số 2

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Viết cho một thằng bạn vừa ra đi

Khoảng năm 1982, 83 gì đó tôi và nó biết nhau vì cùng làm cu li chung một xí nghiệp, nó từ lực lượng Thanh Niên Xung Phong về, cao to, đen trùi trũi, lại cũng bày đặt để ria mép cắt tỉa gọn gàng trông rất … đểu cáng!

Đầu tiên nó hoàn toàn không ưa tôi (tôi không biết, sau này nó nói mới biết), lý do rất đơn giản và rất vô duyên: tôi trắng trẻo quá nên nó nghĩ tôi nhà giàu giả dạng cu li! (thời đó thì cũng có trường hợp này thật, nhiều người vô xí nghiệp làm để có chân trong nhà nước thôi). 
Một lần, nó lân la hỏi mày học trường kỹ thuật có học lợp ngói không? Tôi cũng tình thật trả lời: tao có học nhưng chưa làm lần nào, nhưng nếu cần thì chắc cũng làm được. Thế là cu cậu nhờ tôi tới nhà nó chống dột. Ok, xong! (hồi đó tuy khổ cực nghèo đói nhưng cũng có cái hay là sẵn sàng giúp nhau không công!).
Tới nhà nó thì mới thấy căn nhà te tua (mặc dù cũng mang tiếng nhà quận 1), gọi nhà cũng không đúng, gọi chòi hoặc lều thì cũng chưa đến độ như thế! Căn nhà được phường cho một số vật liệu chống dột hằm bà lằng tôn, ngói, giấy dầu các loại. Thế là thằng tôi phải "vận dụng tất cả sở học" để nghĩ xem “thi công công trình” kiểu gì mới cái mớ hổ lốn này. Lọ mọ tôi làm, nó phụ hết một hai bữa gì đó là xong không nhớ rõ. Sau lần này nó phục tôi lăn cu tê! Và thân luôn từ đó, lúc này nó mới khai ra cái vụ không ưa tôi vì tôi trông như công tử, tôi cũng nói lại là "tao cũng đâu có ưa gì mày vì cu li mà bày đặt hút ... Sài Gòn" (thuốc lá Sài Gòn lúc đó rất ư là đẳng cấp nhé).
Hôm làm ở nhà nó, thấy nó tủm tỉm cười kể là "hồi nãy bà hàng xóm thấy bàn tay mày thò ra đóng đinh trên mái bả phải chạy qua coi mặt ...con nào mà lại leo lên mái đóng đinh"

Mình đã ngheo huyền mà thấy nó còn quá xá nghèo, tôi mới vác chiếc xe đạp mini cũ ra sơn sửa lại cho nghiêm chỉnh (tự làm thôi chứ làm gì mà có tiền ra tiệm). Chiếc xe đạp cùi này gắn bó với tôi suốt thời đi học trường kỹ thuật, chỉ đến khi đi làm tôi mới “lên đời” bằng chiếc sườn ngang huyền thoại, quý lắm bà con nhé!
Hôm tôi mang chiếc xe đạp lên xí nghiệp giao cho nó, cũng nói rõ với nó: tao chỉ có thể cho mày chiếc này đi đỡ chứ không có hơn, đi hư đâu tu bổ đó, đừng nói là tao cho đồ dỏm, xe tao đang đi cũng hơn xe này tí xíu chỉ có điều là được cái sườn ngang đi trông oách hơn thế thôi! Nó cảm động hình như muốn té! (xin lỗi mày tao chế thêm tí chi tiết này cho vui). Cũng cần nói thêm, thời đó chiếc xe đạp là cả một tài sản lớn! Được cái ông bà già tôi cũng thoáng chắc còn...hơn tôi nên tôi làm mấy việc như thế hai cụ hoàn toàn ủng hộ, (nhà chẳng bao giờ bán chác cái gì, thấy cho được thì cho thôi).

Tôi “chạy sô” làm ở đâu thì đều kéo nó theo cho nó kiếm tí, tay nghề nó thì kém chỉ được cái sức khỏe trâu bò, nhưng đi làm chung tôi cũng cưa đôi tiền. Có lần đi làm ở gần cầu Bình Triệu, chiều về thằng thầu bớt xén tiền lương, thỏa thuận là 5, xong trả có 3. Đang ngồi nhậu ở nhà thằng thầu khu vực đường Ung Văn Khiêm bây giờ, ngày ấy còn hoang vu lắm, nhà thằng thầu gần như lọt thỏm giữa xung quanh là đồng nước lênh láng, lại tối như hũ nút. Phe kia 4, phe ta 2, nó thì xỉn muốn té rồi còn cương đòi “chơi”, tôi thấy chơi là toi nên tìm cách đấu dịu để chuồn, cũng may là chuồn được vì ra chưa tới ngoài đường nhựa thì ông thần đã …tự té lọt cả xe lẫn người xuống ruộng! Mà thằng này trông tướng tá thì ngầu nhưng chậm như rùa, hồi tập karate với nhau tôi muốn cho nó ăn đòn gì là nó ăn đòn đó vì nó xoay trở rất chậm chạp!
Lần khác hai thằng lọ mọ đi tuốt xuống Nhà Bè đóng cừ, tưởng dễ ăn, đóng thở ra khói tới trưa, tôi lọt xuống hố móng (từ độ cao hơn 2m) may mà không sao, chắc có bà đỡ vì bao nhiêu cây cừ lởm chờm tôi lại không chạm vào cây nào, leo lên nói thôi về mày ơi, thế là lỗ nửa ngày công với bữa cơm trưa ăn ngoài, hic! (Đi làm xí nghiệp được ăn cơm trưa, còn đằng này là nghỉ việc đi chạy sô!)

Cứ thế, hai thằng chơi và làm việc với nhau cho đến năm 88, 90 gì đó do điều kiện làm việc nên mỗi thằng mỗi ngả, cũng ít gặp. Thỉnh thoảng tết nhất có đôi lần nó đến biếu quà cho bố mẹ tôi (nó cũng gọi là bố mẹ). Nó chạy xe ôm, tôi cũng thi thoảng gặp nó đậu xe ở đầu đường Trần Quang Khải chờ khách thì ghé uống cà phê, Nó biết tôi mổ cột sống nên cũng hay chọc tôi "mày sắp tiêu chưa", rồi lại tự vạch bụng lên khoe vết mổ bao tử của nó!

Chiều nay tự nhiên nghe tin Hoàng đen (biệt hiệu của nó) đã chết từ hồi trước Tết Nguyên Đán vừa rồi! Nó chưa tới 60 (hình như sinh năm 1958). Ngỡ ngàng quá!


Thôi, mày ra đi bình yên nhé Hoàng!