Con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung khi chảy qua Phú Yên mang tên sông Đà Rằng còn gọi là sông Ba. Vùng đất này xưa kia là vương quốc Champa lừng lẫy một thời, Đà Rằng trong tiếng Champa là Ea Rarang nghĩa là “con sông lau sậy”, có lẽ nơi đây xưa kia thời chiến binh Chiêm Thành còn tung hoành thì toàn lau sậy mọc um tùm.
Cầu Đà Rằng bắc qua sông Đà Rằng (sông Ba), cùng với núi Nhạn - tháp Nhạn, là một biểu tượng văn hóa của Tuy Hòa - Phú Yên, và đã từ lâu đi vào ca dao:
"Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu
Ngày xuân con cá giải sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng"
Cây cầu với kết cấu thép díc dắc độc đáo này được người Pháp xây dựng hoàn thành vào năm 1927. Lúc bấy giờ ở nước An Nam ta thì đây là cây cầu dài thứ nhì sau cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Tới năm 1946 thì ta phá cho sập một vài nhịp, sau năm 1954 thì chính quyền Sài Gòn cho khôi phục lại như cũ, và đến tận bây giờ thì các chuyến tàu Bắc Nam vẫn xình xịch ngược xuôi trên “cụ” cầu này.
Tôi đã tìm đến dòng sông này, thả những bước chầm chậm nhìn ngắm cây cầu tuyệt đẹp dưới ánh chiều vàng, không khỏi có chút bồi hồi khi liên tưởng về thảm cảnh năm xưa hàng đoàn người tháo chạy trên đường số 7 làm mồi cho bom đạn ở đâu đó phía thượng nguồn con sông.
* Chuyện cây cầu khác - Cây Cầu Vừa Mới Gẫy:
Cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ hoạt động được 29 năm, từ năm 1995 đến nay do ảnh hưởng cơn siêu bão mưa lũ kéo dài mới sập. Cầu được làm bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu.
- 09/2024 -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét