Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

LÝ THÚ "CÂY BẸO" CHỢ NỔI

Xuất phát từ bến Ninh Kiều - một địa danh nổi tiếng của Tây Đô - từ tờ mờ sáng, bến đò chưa rõ mặt người nhưng đã nhộn nhịp tấp nập những tiếng mời chào í ới của các công ty tổ chức những chuyến tàu đưa khách tham quan miền sông nước.
Đoạn hành trình đến Chợ Nổi Cái Răng trên sông Cần Thơ khoảng 30 phút, cô hướng dẫn viên duyên dáng trong chiếc áo bà ba liên tục giới thiệu những địa danh mà con tàu lướt qua. Trong bóng đêm chưa tan hết, nhũng đường cong của chiếc cầu Quang Trung vắt ngang sông được chiếu sáng khá ấn tượng. Sông Cần Thơ là một nhánh sông của sông Hậu chảy qua thành phố Cần Thơ, khi qua quận Cái Răng sẽ gọi là sông Cái Răng.

Mờ mờ phía xa xa kia chúng tôi thấy một con tàu đặc chủng dập dềnh trên sóng nước do Hà Lan viện trợ để thu gom và xử lý rác rến trên dòng sông, góp phần giữ cho dòng sông sạch đẹp trước ý thức siêu kém về xả rác bừa bãi của dân ta!

Chợ Nổi Cái Răng là khu chợ nổi lớn nhất ở miền Tây, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Nay hầu như chỉ hoạt động để bảo tồn một hình thức họp chợ đặc biệt của vùng sông nước miền Tây Nam bộ và bán sỉ là chính. Vài khu chợ nổi như Chợ Nổi Phụng Hiệp...đã biến mất và dần chìm vào hoài niệm.

Cũng qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên mà tôi biết đến hình thức thông tin buôn bán lý thú của khách thương hồ: "Cây Bẹo".
Mỗi chiếc ghe đều cắm một cây tre cao, nhìn vào những vật phẩm trên cây tre ta sẽ biết được ghe đó bán mặt hàng gì, bán thế nào. Trường hợp "treo gì bán nấy: ghe bán xoài sẽ treo quả xoài, bán mít sẽ treo quả mít... Treo một quả là bán lẻ, treo nhiều quả là bán sỉ. Còn nếu thấy phía trên treo một quả, phía dưới treo nhiều quả thì ghe đó vừa bán sỉ vừa bán lẻ.

Những chiếc ghe và "cây bẹo" đặc trưng của chợ nổi miền Tây Nam Bộ

Có khi ta bắt gặp trên cây bẹo có một chiếc... tà lỏn phấp phới trong nắng mai, xin đừng nhào vô hỏi mua tà lỏn, vì coi vậy mà không phải vậy, đây là trường hợp "treo mà không bán". Chỉ đơn giản là chủ ghe giặt giũ rồi phơi phóng thôi!
Lại có khi "treo thứ này bán thứ khác"! Đó là khi ta thấy treo một tàu lá dừa, nhưng ghe đó hoàn toàn không bán chác thứ gì liên quan đến dừa, mà là bán... nguyên cái ghe! Thật là lý thú phải không?

Treo lá dừa trên cây bẹo nghĩa là bán...nguyên chiếc ghe

Các ghe bán đồ ăn thức uống thì không treo gì cả, đây là loại "không treo nhưng có bán". Thường đồ ăn sẽ là "bún riêu lắc", "hủ tíu lắc"... vừa ăn vừa lắc lư theo từng con sóng vỗ vào mạn ghe!

Ghe bán nước giải khát

"Bún riêu lắc"

Những chiếc ghe nhỏ bán lẻ cây trái cho những chiếc tàu chở du khách cũng không treo gì cả. Họ điều khiển chiếc ghe rất điêu luyện nhanh chóng cặp và móc vào bên hông tàu khách để bán hàng. Sau đó tháo móc và rời đi cũng nhanh như lúc đến... hình thức buôn bán này có lẽ xưa kia không có mà chỉ xuất hiện sau này để phục vụ khách du lịch chăng (?).

Ngược xuôi trên dòng nước ta bắt gặp những bóng hình cả đàn ông lẫn đàn bà đang ra sức chống chèo trên chiếc ghe cỏn con, có ghe chèo tay nhưng cũng có ghe gắn máy "đuôi tôm", dòng sông rộng lớn làm tăng thêm cảm giác nhọc nhằn và mỏng manh.
Một cư dân địa phương sinh ra và lớn lên ở đây cho biết: với khách du lịch có vẻ mọi thứ trông thật lý thú, chứ riêng với cô thì đó là tuổi thơ cơ cực nhọc nhằn với nỗi ám ảnh sợ hãi trên chiếc ghe bé tẹo như có thể chìm xuống dòng sông sâu bất cứ lúc nào...




Một vài thứ của quá khứ sẽ mất đi trong tiến trình phát triển của xã hội, nhiều khi có nuối tiếc cũng phải phải chấp nhận?!

11/2024

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

CHUYỆN CÂY CẦU TRĂM NĂM CHƯA CHỊU GÃY

Con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung khi chảy qua Phú Yên mang tên sông Đà Rằng còn gọi là sông Ba. Vùng đất này xưa kia là vương quốc Champa lừng lẫy một thời, Đà Rằng trong tiếng Champa là Ea Rarang nghĩa là “con sông lau sậy”, có lẽ nơi đây xưa kia thời chiến binh Chiêm Thành còn tung hoành thì toàn lau sậy mọc um tùm.
Cầu Đà Rằng bắc qua sông Đà Rằng (sông Ba), cùng với núi Nhạn - tháp Nhạn, là một biểu tượng văn hóa của Tuy Hòa - Phú Yên, và đã từ lâu đi vào ca dao:
"Cầu Đà Rằng dài hai mươi mốt nhịp
Chàng bỏ ta đi biền biệt bấy lâu
Ngày xuân con cá giải sầu
Trông chàng chẳng thấy chàng đâu hỡi chàng"



Cây cầu với kết cấu thép díc dắc độc đáo này được người Pháp xây dựng hoàn thành vào năm 1927. Lúc bấy giờ ở nước An Nam ta thì đây là cây cầu dài thứ nhì sau cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Tới năm 1946 thì ta phá cho sập một vài nhịp, sau năm 1954 thì chính quyền Sài Gòn cho khôi phục lại như cũ, và đến tận bây giờ thì các chuyến tàu Bắc Nam vẫn xình xịch ngược xuôi trên “cụ” cầu này.


Tôi đã tìm đến dòng sông này, thả những bước chầm chậm nhìn ngắm cây cầu tuyệt đẹp dưới ánh chiều vàng, không khỏi có chút bồi hồi khi liên tưởng về thảm cảnh năm xưa hàng đoàn người tháo chạy trên đường số 7 làm mồi cho bom đạn ở đâu đó phía thượng nguồn con sông.




* Chuyện cây cầu khác - Cây Cầu Vừa Mới Gẫy:
Cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ hoạt động được 29 năm, từ năm 1995 đến nay do ảnh hưởng cơn siêu bão mưa lũ kéo dài mới sập. Cầu được làm bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu.

- 09/2024 -



Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

PHAN RANG - TẢN MẠN MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG ĐỜI

Địa danh Phan Rang đã đi vào ký ức của tôi từ những ngày còn chập chững tập đánh vần tập viết. Trong bộ nhớ đã bắt đầu nhạt nhòa tôi vẫn còn ghi lại hình ảnh một cậu nhóc 4 - 5 tuổi đang ngồi viết thư cho bố bằng cây bút chì màu hai đầu, một đầu xanh một đầu đỏ, cứ một đoạn dùng màu xanh, một đoạn màu đỏ xen kẽ nhau, thật vui mắt! Rồi đến hình ảnh bố tôi xuất hiện ở cửa căn gác gỗ vùng Phú Nhuận khi ông từ Phan Rang là nơi ông đang đi dạy học trở về. Lại vẫn như giọng bố tôi bên tai nói về bức thư tôi gửi xin mua cây KIẾM, mà lại viết sai thành KÌM...

Khi ấy, khoảng từ năm 1965 - 1967, bố tôi là một giáo sư trung học đệ nhị cấp, dạy học ở trường Duy Tân - Thị xã Phan Rang. Thỉnh thoảng ông cũng kể về vài kỷ niệm như là việc nước lũ ở đó tràn xuống thị xã một cách vô cùng chóng vánh, trong tích tắc đã thấy nước tràn ngập khắp nơi! Nhưng tôi không nghe ông nói về sự nguy hiểm của những cơn lũ đó, có lẽ là không đến nỗi nguy hiểm chết người như những cơn lũ quét lũ ống ở phía Bắc.

Trong xấp hình thời còn son trẻ của mẹ, tôi cũng thấy có tấm hình bà chụp ở Tháp Chàm, một địa điểm nổi tiếng của Phan Rang. Thì ra bà có chân đi du lịch từ xưa xửa xừa xưa...

Mà cũng lạ, tại sao có nhiều nơi có Tháp Chàm, nhưng khi nói đến Tháp Chàm là người ta nghĩ đến cái tháp ở Phan Rang?! Tôi đồ rằng lúc bấy giờ những cái tháp khác không thuận tiện về giao thông do tình trạng chiến tranh mất an ninh...
Cũng chẳng hiểu vì sao, khi nói đến Phan Rang là tôi nghĩ đến màu cam rực cháy nóng bức, nghĩ đến cái nắng chói chang nung người… có lẽ là do từ "Rang" chăng? Để rồi tháng 8 mùa Thu mát mẻ ở đâu không thấy, trên bước lãng du tôi dừng chân ở Phan Rang, chỉ thấy đúng thật là cái nắng chói chang, nắng mờ mắt...

Ga Tháp Chàm ngày nắng chói chang

Tôi hỏi thăm về ngôi trường Duy Tân, thì thật lạ, nhiều người không biết... Thoáng chút ngỡ ngàng buồn man mác. Sau tôi dùng phương pháp suy luận ngẫm nghĩ để tìm manh mối:
- Trường này chắc chắn nằm trong thị xã nhỏ bé cũ, giờ là thành phố mới to rộng hơn nhiều, người ở thành phố mới có thể không biết chuyện xưa.
- Trường học  thì chắc không đến nỗi bị phá bỏ giải tỏa, nhất là trường công, mà chắc là bị đổi tên, rất có thể tên (vua) Duy Tân đã bị đổi. (Hầu hết tên các vua nhà Nguyễn đều bị đổi, chỉ có tên vua Hàm Nghi là giữ nguyên tên đường/tên trường).
Đúng là vạn sự hữu duyên, sau một hồi quan sát và trò chuyện với người đàn ông trạc 60 tuổi chủ quán bên vỉa hè, biết rằng anh ta là người gốc ở thị xã Phan Rang cũ, và để rồi reo vui khi hỏi đến thì anh ta nói ngay: "Trường Duy Tân đổi tên thành trường Nguyễn Trãi từ sau năm 1975".

Tôi tìm đến chụp hình kỷ niệm ngôi trường, được biết đến tháng 11 này trường kỷ niệm 70 năm thành lập (1954 -2024). Với chút bâng khuâng bồi hồi, cố gắng tưởng tượng hình ảnh khi xưa bố tôi dạy học ở đây, bấy giờ ông ở độ tuổi tam thập nhi lập, lứa tuổi còn đầy nhiệt huyết, đầy hoài bão... mà chợt cảm khái với hai câu thơ trong bài Ngẫu Thành của Ức Trai tiên sinh:
"Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư.
Giác lai vạn sự tổng thành hư"
(Đời là một giấc mộng kê vàng.
Tỉnh ra mới biết vạn sự đều thành hư không).

Cổng trường Nguyễn Trãi (xưa là trường Duy Tân), nơi bố tôi từng dạy học.

Cổng trường Nguyễn Trãi (xưa là trường Duy Tân), nơi bố tôi từng dạy học.

Sân trường Nguyễn Trãi (xưa là trường Duy Tân), nơi bố tôi từng dạy học.


Tượng Nguyễn Trãi trong khuôn viên trường Nguyễn Trãi (xưa là trường Duy Tân)

Hơi có chút tiếc nuối khi được biết ngôi trường cũ chỉ mới vừa phá hủy hồi năm ngoái để xây dựng trường mới...Giá mà "nếu biết trăm năm là hữu hạn" (*).
 (*) Tựa một quyển sách của Phạm Lữ Ân.

- 03/09/2024 -

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

BỐ TÔI

Bố tôi sinh ra tại một ngôi làng nhỏ miền quê Bắc bộ. Thời bấy giờ dân (bỏ chữ ta) Việt Nam vốn dĩ còn cực kỳ lạc hậu lại chịu sự đô hộ của Pháp, điều kiện y tế kém cỏi, nên ông bà nội tôi chỉ nuôi được một mình bố, những cô chú khác đều mất sớm! Thuở ấu thơ của bố gắn liền với những biến động lịch sử, với cuộc chiến tranh Việt Pháp, vì vậy cũng long đong theo vận nước nổi trôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe bố kể về những lần chạy loạn tản cư qua những cánh đồng đầy xác chết, kể về người chết đói và sau đó là chết no năm Ất Dậu 1945... Kể về chuyện ông nội bị bắt bớ tù đày bởi cả thực dân Pháp lẫn Việt Minh. Theo dòng lịch sử, năm 1954 trên một trong những chuyến tàu há mồm (cách gọi loại tàu đổ bộ theo kiểu nôm na của người dân), có ông bà nội và bố tôi dắt díu nhau di cư vào vùng đất mới, bỏ lại cái rét cùng mưa phùn gió bấc hẹn một ngày về mờ mịt xa xăm!

Bố và bạn (bác Ngọc) tại Hải Phòng trước khi di cư

Bố và bạn (bác Bay) tại Sài Gòn 1955

Cũng theo lời kể của bố thì ông nội tôi có một quyết tâm cháy bỏng là bố tôi phải đạt bằng được tấm bằng Cử Nhân, dù bất cứ giá nào không được bỏ học. Ngày ấy tấm bằng này là cả một vinh dự rất lớn, chứ không mang tính chất phổ thông đại chúng như bây giờ. Trong ký ức tôi còn lưu lại hình ảnh tấm "các vi dít " (carte de visite) in lần lượt tên bố, kế đến là hàng chữ "Giáo Sư", kế nữa là hàng chữ "Cử Nhân Văn Chương"” dưới cùng là địa chỉ nhà. Đến Tết ông lại có cho in thêm vài hộp có hàng chữ màu đỏ "Cung Chúc Tân Xuân" trên cùng, để gửi thay thiệp chúc Tết. Hồi ấy tôi cũng rất lấy làm hào hứng với tấm "các" này, và cũng mơ ước đến ngày được "in các" cho riêng mình, vì tôi nhớ là hình như chỉ một vài giới trong xã hội sử dụng chứ không phải tràn lan ai cũng có.

Bố và các bạn tại sân trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

Lại cũng theo dòng lịch sử, do biến cố Mậu Thân 1968, tuy là con một nhưng bố tôi cũng phải lên đường nhập ngũ sau lệnh Tổng Động Viên, rồi ông lại được trở lại công việc cũ là dạy học nhưng dưới hình thức “Sĩ Quan Biệt Phái”, một cách tổ chức lực lượng trừ bị thời bấy giờ.

Cũng như hầu hết gia đình trong miền Nam thời đó, với quan niệm đông con là nhà có phúc, cho đến năm 1975 thì tôi có 6 đứa em, vẫn thuộc loại bình thường chưa phải là gia đình đông con gì lắm! Cuộc sống cứ thế trôi đi cùng với những kỷ niệm tuổi thơ yên ả, hạnh phúc với những điều bình dị đơn giản như cả nhà chất lên chiếc xe gắn máy Yamaha đàn ông màu đỏ huyết dụ, đứa thì ngồi trên bình xăng, đứa ngồi sau, đứa mẹ bế mỗi khi cần đi đâu như đi chúc Tết, đi ăn giỗ chẳng hạn. Cảnh này rất quen thuộc với hầu hết các gia đình, thế nên chẳng thấy Cảnh Sát Công Lộ phạt vụ này bao giờ!

Vì là con trưởng nên tôi có nhiều dịp đi chơi với bố, ông thường chở tôi đi câu cá vào những Chủ Nhật. Mỗi lần đi câu ông thường mang một cặp cần câu làm bằng "trúc Đà Lạt" mà khi mua về phải kỳ công hơ lửa rồi uốn cho thẳng tắp, với những đốt trúc gồ lên rõ rệt so với phần thân giữa hai đốt. Một cần câu khác nhỏ hơn bằng trúc thông thường dành cho tôi cùng với một lưỡi câu cũng bé bé.

Có ba tuyến đường ông thường chở tôi đi, một là đi ra xa lộ Đại Hàn để đi về phía Bà Hom, hai là đi hướng cầu Chà Và để đi Cần Giuộc – Cần Đước, ba là đi hướng xa cảng miền Tây rồi đi Long An… Có nhiều điều thú vị in sâu trong ký ức tôi qua những chuyến đi này.

Trên đường thiên lý cảnh vật hai bên còn rất hoang sơ mộc mạc ruộng đồng bát ngát với những ao hồ bàu nước thiên nhiên, có những đứa trẻ chăn trâu trạc tuổi tôi cùi cụi cưỡi trên lưng trâu, có đứa đứng hẳn trên lưng trâu và con trâu thì đang lướt êm dưới nước làm tôi phục lăn lóc, liên tưởng tới bản nhạc Em Bé Quê của Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” và cũng thèm thuồng được cưỡi trâu như những đứa trẻ kia mà mơ mình là Đinh Bộ Lĩnh!

Lần đi trên xa lộ Đại Hàn, tôi được ông giải thích cho tôi biết được “hiện tượng ảo ảnh” khi tôi thắc mắc việc tại sao nhìn thấy phía trước là một vũng nước, nhưng chạy đến gần thì không có vũng nước nào cả và lại có một vũng nước khác xuất hiện phía trước, cứ thế tiếp diễn. Lại có lần đang đứng câu trên bờ ruộng thì tôi chạm vào một đám lá “lạ” dưới chân, lập tức đám lá chuyển động xếp lại, tôi hoảng quá liên tưởng đến những câu chuyện “cây ăn thịt người” v…v…chạy tới chỗ bố, vừa hổn hển thở vừa tả lại chuyện kinh dị vừa rồi. Thì ra đó chỉ là cây mắc cở, một loại cây dại có hoa: “một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền, loài hoa không hương không sắc mầu, nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ” mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết trong bản nhạc Hoa Trinh Nữ. Sau đó dĩ nhiên là hết sợ rồi thì thằng cu tôi thích thú đi vòng vòng nghịch cho lá xếp lại để “nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương, quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương…”

Rồi có lần đi ra phía sau một ngôi nhà lá bỏ hoang ở Cần Giuộc, có một cái ao cơ man nào là cá rô còn bé, (lúc bấy giờ nhà bỏ hoang ở miền quê khá nhiều do chiến cuộc). Cá nhiều đến nỗi vừa buông cần là nhìn thấy rõ cả đàn cá xúm xít lại đớp mồi, có khi tôi giật lên thì lưỡi câu móc cả vào lưng một con cá. Câu như thế thì tôi thích chứ bố tôi lại không, nên ông lại lên xe để chạy đi đến một chỗ khác! Ông có cái hay là nhìn vào một vùng nước ông biết nơi đó sâu hay nông, có cá hay không và là loại cá gì v...v... chắc hẳn là những kinh nghiệm tích lũy từ khi ông còn là cậu bé ở làng quê Bắc xa xôi.

Tục ngữ có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tôi học được nhiều điều qua những thắc mắc được ông giải đáp trong những chuyến đi chơi như vậy. Tôi biết được những vùng nước nhiễm phèn thì trông như thế nào. Nhìn tận mắt sờ tận tay quả bình bát mà trước đó đã đọc qua trong sách vở. Tôi biết được quả “dành dành”, một loại quả có hình thù khá lạ màu vàng, hoa cũng màu vàng, người ta dùng quả này để tạo màu khi đồ xôi cho đẹp mắt. Biết được phía dưới bầy ròng ròng màu cam đỏ sặc sỡ kia là cặp cá lóc cha mẹ đang bơi theo bảo vệ đàn con, biết bị ngạnh cá chốt đâm vào tay sẽ đau thế nào. Biết được con cá sặc rỉa mồi chứ không đớp mồi, do vậy câu rất khó, nhiều lần tôi nhìn thấy con cá rỉa sạch mồi nhưng không dính câu. Biết được những con cá bã trầu nhiều màu sắc mà có lần câu được, tôi mang về nuôi không quên vớt theo vài nhánh rong thả vô hồ cho thêm đẹp mắt.

Có những chiều hai bố con đứng trú mưa ở những chòi lá mà người ta dựng lên giữa cánh đồng để canh lúa hay canh vịt gì đó, phóng tầm mắt nhìn ra khung cảnh rộng lớn dưới bầu trời cuồn cuộn mây đen kịt, thỉnh thoảng sáng rực lên bởi những tia chớp, rồi sau đó tiếng sấm sét mới đến tai. Khứu giác thì tràn đầy mùi không khí sũng hơi nước trộn lẫn mùi rơm rạ, mùi cỏ của đồng ruộng. Tất cả mang đến một cảm xúc không bút mực nào diễn tả nổi.

Cuộc sống êm ả cứ thế trôi qua cho đến biến cố 1975, có một ngày tôi theo bố đi đến chỗ ông tập trung, khi ông khuất sau cánh cổng trường Chu Văn An thì tôi đạp xe đi về mà không hề biết rằng sẽ phải một thời gian dài sau đó mới gặp lại bố chứ không phải "mười ngày" như được thông báo! Quãng thời gian sau đó thật nặng nề, không một tin tức từ những người bị đưa đi tập trung, không ai biết được chuyện gì đã xảy ra với họ, họ ở đâu, còn sống hay đã chết? Có lần tôi và mẹ đi đến trường Lasan Tabert trong tâm trạng hoảng hốt hoang mang, vì có tin đồn là nơi đây đang niêm yết danh sách những người tù cải tạo bị tử nạn do...lật xe! Khi đến nơi dĩ nhiên chẳng thấy danh sách nào mà chỉ thấy từng nhóm người đồng cảnh ngộ đang thì thào bàn tán với những gương mặt lo âu. Lại được nghe rằng có người vì quá đau lòng nên đã xé mất danh sách đó!

Lần đầu nhận được thư bố viết từ trại cải tạo đã xua tan phần nào không khí nặng nề u ám. Rồi sau đó là những lần đi thăm nuôi, lần đầu tiên cả nhà lếch thếch đi lên Trảng Lớn (Tây Ninh), những lần sau đó thì ở Trảng Táo (Long Khánh), tôi chỉ nhớ nơi này có một ga xép, phía bên kia đường rầy là trại tù cải tạo nằm trong rừng, lan trại cho thân nhân thăm nuôi được dựng lên ở sát bìa rừng. Mỗi lần đi là một cảm xúc khác nhau. Ngoài những lần “đi chính thức” lại có những lần “đi ké” với những gia đình có giấy thăm nuôi. Sau này mới biết rằng ở đây là những người sắp được thả về cho nên mọi thứ cũng có phần dễ dãi.

Trong những lá thư bố viết về, ngoài những chuyện “báo cáo thành tích lao động” mục đích là để lọt qua những bộ máy kiểm duyệt chạy bằng cơm, (lần đầu tiên tôi biết đên những từ ngữ lạ lẫm như “hòm thư”, “chỉ tiêu”…là từ những lá thứ này của bố), thì nội dung chính xoay quanh chuyện dặn dò chúng tôi bảo ban nhau học hành…

Rồi cho đến khi ông được thả với túi hành trang rách nát, mà cô em tôi còn nhớ có một ít tiền đựng trong một cái bít tất cũ, có lẽ là tiêu chuẩn trại tù cấp phát cho đi đường. Gia đình đoàn tụ, và cùng tiếp tục trải qua những tháng ngay cằn cỗi. Hình ảnh bố ngày xưa đi làm áo bỏ trong quần, giầy tây biến mất, vì bây giờ có khi ông phải đi làm phụ hồ hoặc linh tinh các thứ gì đó không dính líu đến đầu óc... Lại có lần ông phải ra phường để nghe tay trưởng công an phường lúc bây giờ tên là Ba Đấu đập bàn quát nạt đòi còng đầu vì chưa chịu đi kinh tế mới, hoặc hồi hương... đại loại là biến ra khỏi thành phố! Tay nằm vùng Ba Đấu này mắt trắng dã môi thâm sì, một gương mặt rất điển hình, sau này nghe nói bị đi tù vì tội hủ hóa tham ô gì đó, rõ là liu điu thì rồi cũng chỉ là liu điu.

Số phận cũng mỉm cười khi bố được trở lại nghề giáo, dù phải hạ xuống một cấp, ngày xưa ông dạy trung học đệ nhị cấp (cấp 3) nhân cơ hội có đợt Sở Giáo Dục tuyển giáo viên cấp 2 đã đưa ông trở về, khi đang phải lưu lạc lêu bêu tá túc làm ngư phủ bất đắc dĩ với gia đình một người thân ở Long Đất, để né sự chèn ép của địa phương qua tay Ba Đấu nói trên.

Năm đó, cả nhà có một chiếc xe đạp “rã nát” đúng nghĩa từ thời Bảo Đại, mà khi chú Thái là một người hàng xóm thân thiết mua giúp từ quê vợ ở Ba Xuyên mang lên. Tôi không hiểu làm cách nào mà chú ấy có thể chạy nó về đến nhà, vì ngay sau đó là cả một thời gian dài tự tu sửa dần dần thì bố con tôi mới có thể cho nó lăn bánh một cách vừa đi đường vừa hồi hộp!

Cũng khoảng sau khi ông về ít lâu thì tôi bắt đầu theo học ở một trường kỹ thuật, nói nôm na là bỏ học chữ (học phổ thông) đi học nghề. Sáng ông lóc cóc chở tôi đến trường ở mãi tuốt gần đài phát thanh (quận 1), rồi mới đánh một vòng về Bình Thới (quận 11) để đi dạy, được ít lâu thấy bất nhẫn nên tôi đề nghị tôi sẽ đi xe buýt để bố đỡ vất vả, dĩ nhiên nói đại vậy thôi chứ việc đi xe buýt thời bấy giờ là cả một "kỳ công" vì lượng khách thì nhiều mà xe thì lèo tèo.

Bố và người cháu họ, anh Nguyễn Bá Chung (Ts Văn Chương & Ts Điện Toán Mỹ)

Lần hồi đắp đổi ngày qua ngày, bảy anh em chúng tôi không có đứa nào bị “thất đại học”, lèng tèng lắm như tôi cũng loi ngoi từ anh công nhân thợ mộc bậc 5/7 mon men chó ngáp phải ruồi đậu kiến trúc… Nói chung là gia đình tôi gần như sưu tầm tổng hợp các loại bằng, có cái bằng kinh nhất là của ông em thứ tư, bằng này nó hết danh xưng, vì tới tiến sĩ là hết rồi, cái bằng này sau tiến sĩ, nên gọi là “hậu tiến sĩ – postdoc (post doctoral degree)”.

Tôi nghĩ khi bố ra đi chắc hẳn bố cũng đã vui lòng, vì ít ra chúng tôi đã tiếp nối được ý chí từ ông nội truyền tới đời chúng tôi, rồi lại đã được tiếp nối bởi thế hệ sau nữa...Dĩ nhiên là bên cạnh đó là sự đồng hành của mẹ tôi. Ngay cả những lúc túng bấn nhất bố mẹ tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ cho chúng tôi bỏ học để lăn lộn tìm kế sinh nhai.

Có lần thằng em thứ năm chưa tốt nghiệp thì đã được một khách sạn loại 4 sao ở ngay trung tâm Sài Gòn tuyển làm manager, nhưng cuối cùng phải từ chối để tập trung vào việc học cho xong rồi mới tính chuyện đi làm sau. Cần biết rằng bỏ qua cơ hội này không dễ dàng, vì lúc bấy giờ mà có một chỗ làm mà lương tính bằng tiền đô, dù chỉ một vài trăm là cả một “trời hoa mộng”.

Bố được cậu em Postdoc đưa vào giảng đường Đại Học Colorado chụp hình

Bố tôi tại Úc

Nhân sinh quan của bố tôi cũng có nhiều cái khác thường, mà có lẽ nó cũng ảnh hưởng đến tính cách tôi khá nhiều! Kim chỉ nam xuyên suốt là xem tiền bạc vật chất “nhẹ tựa hồng mao”, đối với ông thì có nhiều thứ quan trọng hơn nhiều, ông thường dùng từ “lý tài” để mô tả về một người nào đó mà có tính quá coi trọng tiền nong, ham tiền của, vơ vét từng lợi nhỏ. Thỉnh thoảng ông nhắc lại một vài kỷ niệm đói xanh mắt trong tù cải tạo, có nhiều người chỉ vì một miếng cơm cháy mà sẵn sàng đánh mất tư cách một cách thảm hại. Khi tôi từ bỏ một công việc chỉ vì nó không mang lại sự thích thú, để bắt đầu một công việc khác yêu thích hơn nhưng thu nhập giảm gần 30%, ông chỉ nói ngắn gọn: con người ta làm việc là để “sống”, chứ không phải để "kiếm sống"! Chả thế mà khi tôi thành lập công ty, ông rất buồn phiền, vì hơn ai hết ông quá hiểu cái tính cách của tôi mà lại phải đâm đầu vào những suy tính cân nhắc về kinh tế thì sẽ không "sống” được. Ông nói: bố chỉ muốn mày sống đúng bản chất sảng khoái tiêu dao tự tại, làm những gì mình thích!

Bố tôi - Tranh màu nước

Có lần, cơ duyên đưa đẩy tôi đi đến vùng đất nói đến ở trên, nay mang tên Phước Hải, dĩ nhiên cảnh vật bây giờ khác xa mấy chục năm trước khi bố tôi phải phiêu bạt ra cái làng chài nhỏ bé này. Nhìn sóng vỗ bờ trong ánh chiều tà, tôi cứ bồi hồi tưởng tượng cảnh năm xưa bóng dáng bố lang thang in dấu chân trên bãi biển, mắt dõi về xa xăm, lòng tơi tả nghĩ về tương lai mênh mông mịt mùng trong tiếng sóng rì rầm. Lại nhớ đến những người bạn cùng thời với bố, đa số là "những chàng trai nước Việt" còn đậm chất kiểu "sĩ phu Bắc Hà" cùng nuôi "chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, hầu hết đều cũng đã không còn.

Nay biển xanh sóng vỗ còn đây, người xưa đâu tá!

Non xanh nước biếc còn đây.