MỘT THỜI ĐÃ XA
Loại kém hơn tí xíu thì có tập Tennis hình vận động viên đang đánh cú “xì mát”, (dĩ nhiên là hồi bấy giờ làm gì biết xì mát xì nóng); Phóng Lao hình lực sĩ phóng lao; Túc Cầu; Nguyễn Huệ...
Ở cấp tiểu học tập vở học sinh có quy định cụ thể: bao vở bằng loại giấy bóng mờ, màu sắc có lẽ tùy theo trường, vở toán màu xanh vở tập làm văn màu đỏ chẳng hạn, lâu quá rồi cũng không thể nhớ nổi. Kỹ lưỡng hơn thì bao thêm một lớp bao ni lông, sau này có loại ni lông màu, một số bạn lười, chơi cái bao đó luôn, riêng tôi vẫn thích bao theo kiểu giấy bóng mờ và ni lông trong đúng kiểu học sinh nghiêm túc. Nhãn vở cũng nhiều mẫu mã và cũng là một trong những ký ức khó quên của thuở học trò khi nôn nao chờ đón năm học mới, khui tập mới ra, ngồi bao tập, dán nhãn, nắn nót viết tên mình tên trường tên lớp…
Câu chuyện tập vở đến đây tưởng không có gì để nói!
Mọi thứ không thể bỗng thành có thể! Hồi trước xài phung phí không biết quí, đến qua năm 1976 bắt đầu thấy cảnh khó khăn, đầu tiên thì hàng hóa vẫn còn, chỉ là không có tiền mua…Cái khó ló cái bòn mót, loại tập tự "cải thiện" đầu tiên tôi thấy là từ một anh trong xóm học trường Cao Thắng mang về, loại tập này “sản xuất” bằng tất cả các tờ giấy thu thập được từ các cuốn tập còn dư năm bảy trang chưa dùng hết, đóng lại, cắt xén cẩn thận, dĩ nhiên bìa thì cũng lấy bìa cũ. Nhìn cạnh cuốn vở rất là lạ, vì nó có nhiều lớp màu do các loại giấy “không thuần chủng” tạo thành. Loại vở này do sử dụng giấy chiếc, không đóng lại như kiểu đóng loại giấy đôi được, vậy nên khi sử dụng sẽ khó khăn, nhất là càng những trang sau càng khó, nhưng có còn hơn không!
Một thời gian sau, cũng làm gì còn tập cũ để lấy giấy thừa. Bắt đầu tiếp xúc với loại tập giấy đen mới khốn khổ, nếu đem so với loại tập gọi là rẻ tiền nói trên thì cũng không thể so được, vì một đằng vẫn là giấy để viết còn một đằng không hiểu tại sao lại dùng để viết. Loại giấy này không hiểu làm từ cái giống gì, mà nói xin lỗi hơi phô nhưng thề rằng đúng sự thật 100%: dùng chùi khi đi vệ sinh là có nguy cơ sứt xước hết cả "hệ thống thiết bị". Thật vậy, nó hoàn toàn không có độ láng mịn, độ sần sùi chỉ thua tờ giấy nhám, mà còn kém hơn tờ giấy nhám ở độ đồng đều. Ngòi bút đang lướt sột soạt trên giấy, bỗng tưng lên như xe gặp ổ gà. Trên mặt giấy màu không trắng cũng không vàng, mà nhờ nhờ nâu xỉn như một thứ nước cống hoặc nước từ chất thải của trâu bò, ta có thể nhìn rõ những cọng rơm cọng cỏ gì đó còn nguyên xi. Loại giấy này lại còn rất ”ăn mực”, viết chữ lem tùm lum, xuyên cả qua mặt sau. Giấy thì như thế mà bút mực thì cũng bơm chế lem nhem, thế mới biết những người đã trải qua cái thời ấy đúng là toàn có "thần nhãn", chứ người thường thì toét hết cả mắt rồi!
Ấy vậy tập vở cũng không phải có dư dả để mà mua, nhân dân còn được phục vụ bán loại giấy gọi là “giấy manh” chưa đóng lại, về tự đóng lấy mà dùng, loại giấy này không kẻ ô ly giấy học trò thông thường cũng không ô vuông nhỏ như loại giấy viết đơn mà chỉ đơn giản kẻ có một hàng ngang.
Giấy tập khan hiếm khó khăn thế nên phải "khắc phục" các kiểu, thế mới có chuyện giờ kiểm tra học sinh nhao nhao hỏi thầy cô điều mà hồi xưa không cần hỏi và cũng không được phép hỏi (vì đó là điều đương nhiên): “giấy đơn hay giấy chiếc”. Thầy cô lúc bấy giờ cũng ăn theo thuở ở theo thời du di mà tùy theo độ dài của bài cho phép loại giấy nào!
Trải qua bao thăng trầm biến động mấy mươi năm như một giấc mơ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét