Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

ĐI VỀ MIỀN KÝ ỨC

NGÀY ẤY XA XĂM

Số là có ông bạn nhà văn người Sài Gòn, chuyên viết về Sài Gòn, hôm vừa rồi bỗng nổi hứng bất tử dẫn đi quán cà phê…Lúa Sài Gòn.

Cảm giác đầu tiên bước vào quán thì cũng chưa có gì gọi là ấn tượng lắm, ngoại trừ khuôn viên rộng rãi thoáng mát rất phù hợp với tình trạng dịch giã như hiện nay.

Ngồi một lúc, ngắm nghía khung cảnh xung quanh, với những vật dụng cũ bày biện khắp quán, dần dà những ký ức xa xăm từ từ len lén chập choạng thức dậy…

Phần nền của quán, có một phần có lẽ dùng loại ván tháo ra từ một căn nhà nào đó, tương tự sàn căn gác gỗ của nhà tôi, cũng là kiểu xây dựng phổ biến hồi bấy giờ: tường gạch – gác gỗ, nhà nào có “gác suốt” coi như một điểm cộng. Nói đến sàn gỗ, thế hệ sau này chắc liên tưởng đến những sàn gỗ sang trọng đẹp đẽ, thật ra nó chỉ là những mảnh ván chiều rộng chừng 30 - 40 cm, được bào sơ sài, thường là còn cả vệt cưa, được ghép lại với nhau trên những thanh đà gỗ “năm mười”, chỗ vệt lưỡi cưa ấy sau một thời gian sử dụng cũng lì mặt, không còn gây cảm giác xóc dằm như lúc mới. Chỗ ghép có thể chạy âm dương hoặc chạy lưỡi gà, tuy nhiên lâu ngày, ván hở ra tới mức có thể nhìn thấy cả tầng dưới. Các miếng ván (thường là ván dầu đỏ) cũng cong vênh biến dạng tùm lum, chứ làm gì được phẳng phiu bóng láng như những sàn ốp gỗ thời bây giờ. Thi thoảng, người ta phải lấy cây khều những bụi bẩn từ các khe ván lên khi quét sàn. Lúc bấy giờ trong một xóm, nhà nào có “sàn đúc bê tông”, là thuộc loại "ngon cơm", như trong xóm tôi chỉ có một căn nhà đúc trên tổng số 28 căn!
Căn gác gỗ của gia đình tôi cho đến năm 1995 mới được “bê tông hóa”  thành loại "sàn đúc - lót gạch" ước mơ.
Quán bày nhiều bộ salon, góc này là bộ “salon thùng”, đặc trưng của kiểu salon này là cặp tay vịn cong vút cặp sát hai bên phần “thùng” ngồi và lưng tựa bọc bít bùng bằng ván liền mặt. Bộ này gồm 4 cái ghế đơn, và một bàn tròn nhỏ, thường được làm bằng loại gỗ gõ, lên nước bóng lộn. Hồi tưởng những ngày tót sang nhà thằng “Minh Móm” trong xóm đọc truyện tranh “Con Quỷ Truyền Kiếp”, ngồi chà mông trên bộ ghế kiểu này đây. Cần nói thêm là mấy loại truyện nhảm nhí này như truyện Chú Thoòng v…v… và hầu hết các loại truyện tranh thì “ông bô” cấm tiệt, ở nhà chỉ được phép mua và đọc các loại lành mạnh như Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa mà thôi…

Bộ salon thẻ là bộ salon thịnh hành nhất thời trước 1975, thường được đóng bằng cẩm lai, bộ này gồm hai ghế đơn và một băng dài, phần lưng và đáy ngồi là những thẻ gỗ cỡ chừng 3 phân, cách nhau khoảng 5cm, bên trên đặt các tấm nệm bọc vải bố hoặc simili, phía trên tấm nệm lưng thường có thêm một bao vải trắng trùm xuống khoảng 15 - 20cm viền đăng ten. Loại salon này thường chỉ khác nhau phần tay vịn và thanh tựa đầu, tay vịn có loại thẳng, có loại ưỡn xuống, loại thì cong lên, có loại tay cuốn cuộn tròn ở phần đâu. Kiểu dáng cái bàn cũng đủ loại, chân vuông chân tròn, vát xéo... tuy nhiên thường sẽ có mặt bàn là một khung gỗ hình chữ nhật hoặc có thể biến tấu hai cạnh dài hơi cong, ở giữa là tấm kính 5mm, phần dưới là một khung đồng dạng với mặt bàn nhưng bên trong là những nan gỗ. Khoảng năm 1973 gì đó nhà tôi có một bộ bằng gỗ cẩm lai. Bố tôi và các ông bạn thường ngồi đánh domino hoặc đánh cớ trên bộ này. Bộ này sau 1975 ít lâu thì cũng được hành quân đi "bộ đội" cùng với nhiều thứ khác trong nhà!


Tất nhiên phần không thể thiếu của một quán cà phê là âm nhạc, chủ quán đã kỳ công sưu tập nhiều bộ dàn Akai, đầu "câm", cassette, dường như tất cả đều còn chạy ngon lành cành đào chất ngất cành quất...


HƯƠNG VỊ TUỔI THƠ

Có những thứ đã tưởng chìm vào dĩ vãng, có những thứ ngỡ chỉ còn dư hương... Khi thấy tôi chăm chú nhìn vào những hũ bánh trên quầy, hũ thủy tinh đúng kiểu các tiệm tạp hóa trong các xóm ngõ ngày nào, chủ quán rất nhiệt tình xếp ra mời nếm một chút bánh men, bánh con sâu, bánh "sâm banh", bánh"tai heo", lại có cả ly đá bào xi rô. Ngậm cho miếng bánh men tan trong miệng, nhớ lúc khoác vai thằng "Toàn mủ" ra tiệm tạp hóa "bà già", cắn miếng bánh lỗ tai heo dòn dòn nhớ chiều nào chạy ra tiệm tạp hóa "bà mập" với thằng "Minh móm", cầm cái bánh "sâm banh" nhìn lớp đường cát phủ trên mặt bánh thấy hình ảnh "tiệm bà Nhâm", xúc miếng xi rô đá bào lặng nhớ cổng trường Tân Sơn Hòa xưa...


Quán còn bày biện nhiều thứ gợi nhớ một thời: cái "gạc măng giê" với chồng bát đĩa và chân đèn "huê kỳ" cũ, hộp sắt tây hiệu bánh LU, vài chiếc xe máy cũ, máy đánh chữ...

 

 



"Gạc Măng Giê" (Garde Manger) - vật dụng này giờ hầu như vắng bóng!




Bình lọc nước bằng sứ, nhà nào khá khá mới sắm được.




Những chiếc hộp bánh LU ngày ấy thường được tận dụng làm hộp đựng đồ lặt vặt



Sài Gòn, mùa Cô Vi II, 11/2021

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

VỞ HỌC TRÒ MỘT THUỞ

MỘT THỜI ĐÃ XA

Cuốn tập, cây bút là một trong những vật dụng gắn liền với tuổi hoa niên thời cắp sách đến trường, hôm nay chợt thấy vài hình ảnh gợi nhớ bâng khuâng nhiều kỷ niệm…

Thời đó nhiều nhãn hiệu vô kể, thị trường tự do mà, đầu bảng có lẽ là ba loại Olympic, Xích Lô Máy và Con Nai.
Olympic với hình lực sĩ áo thun ba lỗ cầm cây đuốc “cưỡi” trên quả địa cầu; Con Nai với hình con nai cách điệu và hàng chữ “Con Gì Đó” (COGIDO – sau này thay thế bằng hàng chữ Xí Nghiệp Giấy Đồng Nai), cuốn tập này khác với những tập kia ở chỗ hai góc giấy “bo” ít hơn, gáy tập vuông hơn, và nếu nhớ không lầm thì đường kẻ ly màu xanh chứ không màu đen. Ấn tượng với tôi nhất là tập Xích Lô Máy, có lẽ vì lần đâu tiên lãnh thưởng, phần thưởng là một xấp 20 cuốn loại tập này.
Nói chung các loại tập kể trên đều có chất lượng tốt, bìa dầy, ruột giấy trắng, láng mịn nên viết lướt êm ru, cuốn nào cũng có in bảng thời khóa biểu và cửu chương ở mặt bìa sau.
Cũng có loại tập không biết có ý nhái hay ăn theo hay không như tập "Olympia", tập "Xích Lô Đạp" chắc ít người biết.



Loại kém hơn tí xíu thì có tập Tennis hình vận động viên đang đánh cú “xì mát”, (dĩ nhiên là hồi bấy giờ làm gì biết xì mát xì nóng); Phóng Lao hình lực sĩ phóng lao; Túc Cầu; Nguyễn Huệ...



Còn nhiều loại tập vở khác rẻ tiền hơn, in hình màu sắc xanh đỏ tím vàng, bìa mỏng, chất lượng giấy chắc kém hơn. Thường có lẽ các gia đình nghèo đông con chọn loại này cho đỡ hao tốn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, hoặc tôi cũng thấy mấy bà mấy cô bán hàng dùng ghi chép hàng ngày.



Ở cấp tiểu học tập vở học sinh có quy định cụ thể: bao vở bằng loại giấy bóng mờ, màu sắc có lẽ tùy theo trường, vở toán màu xanh vở tập làm văn màu đỏ chẳng hạn, lâu quá rồi cũng không thể nhớ nổi. Kỹ lưỡng hơn thì bao thêm một lớp bao ni lông, sau này có loại ni lông màu, một số bạn lười, chơi cái bao đó luôn, riêng tôi vẫn thích bao theo kiểu giấy bóng mờ và ni lông trong đúng kiểu học sinh nghiêm túc. Nhãn vở cũng nhiều mẫu mã và cũng là một trong những ký ức khó quên của thuở học trò khi nôn nao chờ đón năm học mới, khui tập mới ra, ngồi bao tập, dán nhãn, nắn nót viết tên mình tên trường tên lớp…

Lên đến trung học thì thoải mái hơn, muốn bao bằng thứ gì thì bao, họa báo, giấy hoa…dĩ nhiên cũng nhiều tay đầu gấu không thèm bao bọc gì cả, nhìn cuốn vở là các thầy cô chắc chỉ muốn bợp tai đá đít vì góc vở quăn queo, bìa vở bẩn thỉu, và dĩ nhiên thường sẽ không có nhãn vở.
Thường thì ai cũng có một cuốn vở để chỉ chuyên lấy giấy đôi ra làm bài kiểm tra, văn hóa thời bấy giờ từ bài luận văn, bài kiểm tra toán, cho đến lá đơn…đều phải là tờ giấy đôi, cho dù chỉ viết chưa hết một trang.

Câu chuyện tập vở đến đây tưởng không có gì để nói! 

Mọi thứ không thể bỗng thành có thể! Hồi trước xài phung phí không biết quí, đến qua năm 1976 bắt đầu thấy cảnh khó khăn, đầu tiên thì hàng hóa vẫn còn, chỉ là không có tiền mua…Cái khó ló cái bòn mót, loại tập tự "cải thiện" đầu tiên tôi thấy là từ một anh trong xóm học trường Cao Thắng mang về, loại tập này “sản xuất” bằng tất cả các tờ giấy thu thập được từ các cuốn tập còn dư năm bảy trang chưa dùng hết, đóng lại, cắt xén cẩn thận, dĩ nhiên bìa thì cũng lấy bìa cũ. Nhìn cạnh cuốn vở rất là lạ, vì nó có nhiều lớp màu do các loại giấy “không thuần chủng” tạo thành. Loại vở này do sử dụng giấy chiếc, không đóng lại như kiểu đóng loại giấy đôi được, vậy nên khi sử dụng sẽ khó khăn, nhất là càng những trang sau càng khó, nhưng có còn hơn không!

Một thời gian sau, cũng làm gì còn tập cũ để lấy giấy thừa. Bắt đầu tiếp xúc với loại tập giấy đen mới khốn khổ, nếu đem so với loại tập gọi là rẻ tiền nói trên thì cũng không thể so được, vì một đằng vẫn là giấy để viết còn một đằng không hiểu tại sao lại dùng để viết. Loại giấy này không hiểu làm từ cái giống gì, mà nói xin lỗi hơi phô nhưng thề rằng đúng sự thật 100%: dùng chùi khi đi vệ sinh là có nguy cơ sứt xước hết cả "hệ thống thiết bị". Thật vậy, nó hoàn toàn không có độ láng mịn, độ sần sùi chỉ thua tờ giấy nhám, mà còn kém hơn tờ giấy nhám ở độ đồng đều. Ngòi bút đang lướt sột soạt trên giấy, bỗng tưng lên như xe gặp ổ gà. Trên mặt giấy màu không trắng cũng không vàng, mà nhờ nhờ nâu xỉn như một thứ nước cống hoặc nước từ chất thải của trâu bò, ta có thể nhìn rõ những cọng rơm cọng cỏ gì đó còn nguyên xi. Loại giấy này lại còn rất ”ăn mực”, viết chữ lem tùm lum, xuyên cả qua mặt sau. Giấy thì như thế mà bút mực thì cũng bơm chế lem nhem, thế mới biết những người đã trải qua cái thời ấy đúng là toàn có "thần nhãn", chứ người thường thì toét hết cả mắt rồi! 

Ấy vậy tập vở cũng không phải có dư dả để mà mua, nhân dân còn được phục vụ bán loại giấy gọi là “giấy manh” chưa đóng lại, về tự đóng lấy mà dùng, loại giấy này không kẻ ô ly giấy học trò thông thường cũng không ô vuông nhỏ như loại giấy viết đơn mà chỉ đơn giản kẻ có một hàng ngang.

Giấy tập khan hiếm khó khăn thế nên phải "khắc phục" các kiểu, thế mới có chuyện giờ kiểm tra học sinh nhao nhao hỏi thầy cô điều mà hồi xưa không cần hỏi và cũng không được phép hỏi (vì đó là điều đương nhiên): “giấy đơn hay giấy chiếc”. Thầy cô lúc bấy giờ cũng ăn theo thuở ở theo thời du di mà tùy theo độ dài của bài cho phép loại giấy nào!

Trải qua bao thăng trầm biến động mấy mươi năm như một giấc mơ!

Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối...
28/03/2021

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

REVIEW "SOLO EXHIBITION DREAM"

Triển Lãm Cá Nhân Của Họa Sĩ Nguyễn Hoài Hương.

Tối 20/03/2021 vừa qua được mời tham dự buổi khai mạc triển lãm tại "Nhà Chú Hỏa" (ngôi biệt thự huyền thoại của một trong "tứ đại gia" của đất Sài Thành xưa), bất chợt nhớ lại cơ duyên gặp gỡ và làm việc dưới trướng anh Hoài Hương - người có buổi triển lãm nói trên - chớp mắt cũng đã hơn 1/4 thế kỷ! Cho đến nay thì hai anh em vẫn giữ mối giao tình, và ít nhiều cũng hiểu tính cách của anh, cho nên vừa rồi là lần thứ ba được tham dự triển lãm của anh, tôi cũng không ngạc nhiên lắm trước sự qui mô, sự chỉn chu, như nhận xét của một số họa sĩ, mà cũng có họa sĩ cho rằng qui mô như thế này chưa từng có về cả hình thức, nội dung lẫn số lượng người tham dự, nói theo kiểu thời thượng bây giờ là “hoành tráng”!

Họa sĩ Hoài Hương và Triển Lãm Cá Nhân: Dream - Giấc Mơ

Thật vậy, ngoài điều kiện cần và đủ để tổ chức được như thế, cần là cần năng lực, đủ là đủ tài lực, tôi thiết nghĩ nó còn do tính cách cầu toàn của anh, bởi lẽ cũng có thể có họa sĩ có đầy đủ điều kiện như vậy hoặc hơn, thế mà theo chỗ tôi biết thì dường như chưa thấy cuộc triển lãm nào có quy mô tương tự từ trước đến nay, “khoáng hậu” thì không ai dám nói, nhưng “vô tiền” thì có lẽ đúng. (Đây chỉ là hiểu biết chủ quan của một người không phải là họa sĩ thứ thiệt, cho nên nếu có sai xin bà con cứ...cung cấp gạch đá thoải mái 😁).

Ơ, quen nhau à?!

Cũng có ý kiến cho rằng do anh có thế mạnh trong lãnh vực trang trí nội thất, nên cũng có phần dễ dàng làm được một số việc mà các đồng nghiệp khác khó có thể thực hiện.
Buổi khai mạc đơn giản diễn ra với sự giúp đỡ của chính con gái chủ nhân và các thân hữu bắt đầu việc tham quan các tác phẩm mỹ thuật. Tất cả mọi thứ được thực hiện trong một không gian có sự đầu tư chăm chút về ánh sáng âm thanh, có hẳn cả một nhóm nhạc thính phòng sang trọng. Sự sắp đặt các tác phẩm cũng như những thứ râu ria phụ trợ như bục kệ v...v...cho thấy rõ thế mạnh trong lĩnh vực trang trí nội thất như đã nói ở trên, chỉ đơn cử như nhìn các bộ khung tranh "khủng" của anh đã đủ làm "choáng váng" các đồng nghiệp!
Triển lãm thành công là điều hiển nhiên “khó tránh khỏi”! Thế nên cá nhân tôi thấy cũng không cần thiết phải gửi đến anh những lời chúc tụng sáo rỗng, vì tôi cảm nhận rằng cái chính là anh đang được bay trong những giấc mơ lung linh đầy sắc màu của mình như tên gọi của triển lãm "DREAM – GIẤC MƠ", điều mà có lẽ tất cả mọi người đều mong muốn được một lần ngụp lặn trong những giấc mơ đẹp của chính mình!

Chủ nhân nói vài lời khai mạc buổi triển lãm cùng với MC là cô con gái rượu

Âm nhạc...

...và hoa










Chuẩn bị...

...và ký tặng quà (sách tranh được in ấn công phu)