Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

KIM DUNG VÀ QUAN ĐIỂM CHÍNH TÀ

Cấm Dùng Sếnh Sáng thế là đã "xiào ào jiāng hú - tiếu ngạo giang hồ" sau ông nội tôi những 46 năm! Ông nội chính là người đã vô tình đưa tôi đến với những trang tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình.



 

Ngày ấy, chắc cỡ 1966-1967 gì đó, ông nội thường bắt tôi đọc báo cho ông nghe, đọc tất tần tật hết cả nội dung tờ báo, tôi còn nhớ nhật báo TIẾNG VANG lúc bấy giờ đang đăng feuilleton truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, ông nội rất khoái nhân vật Lệnh Hồ Xung trong truyện. Thật tình lúc bấy giờ tôi chỉ thích đọc mục truyện cổ tích chứ cũng chưa khoái thể loại truyện này, rồi dần dà máu "kiếm hiệp - quân tử tàu" ngấm vào lúc nào không biết. Cũng sau này mới biết ông nội thích thằng cháu đích tôn đọc là vì cái sự... biết đọc của nó thôi chứ coi truyện thì tự mình coi vẫn thích hơn chứ!

Đến khoảng năm 71-72 nhà chuyển sang đọc báo Sóng Thần, báo này lại đăng truyện Lộc Đỉnh Ký có nhân vật Vi Tiểu Bảo, nhân vật này tôi lại càng không thích vì võ nghệ kém cỏi bậc nhất trong các nhân vật chính của Kim Dung. Năm đó cô em gái tôi cũng mới 5 tuổi lại cũng đã đọc Kim Dung! Thời bấy giờ, có rất nhiều tiệm cho thuê truyện mọc lên, rồi sau đó lại có cả các anh sinh viên làm thêm bằng cách chở truyện đến tận nhà cho thuê, ôi giời thế là đọc đã đời, cứ gọi là "sướng rên mé đìu hiu". Nhà cứ thuê vài cuốn, do đó xảy ra tình cảnh cuốn 1 đang có người đọc rồi, tôi nhảy qua cuốn 2 đọc, rồi lại đọc ngược lại cuốn 1, thế mà vẫn hấp dẫn như thường!

Mê mẩn với những nhân vật võ công cái thế, thả hồn say sưa với những tuyệt thế giai nhân, già trẻ lớn bé cắm cúi theo từng trang tiểu thuyết mà đa số đã cũ mèm vì quá nhiều lượt thuê. Có thể nói không có loại tiểu thuyết nào gây nghiện như truyện kiếm hiệp của Kim Dung nói riêng, và một số tác giả khác như Cổ Long, Thanh Vân...

Phải nói "nội công" của Kim Dung về lịch sử, địa lý, võ thuật, triết học, Phật học cực kỳ cao cường, có lẽ vì vậy cách ông đặt tên cho các chiêu thức; ngoại hiệu và tên của nhân vật cả chính lẫn tà...đọc nghe thật đã điếu, nào là Phi Long Tại Thiên; Thần Long Bái Vĩ; Cửu Âm Bạch Cốt Trảo; Độc Cô Cửu Kiếm...; Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác; Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công; Ác Quán Mãn Doanh Đòan Diên Khánh; Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương; Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu...

NHƯNG! Kim Dung có một "hạn chế" lớn về "tư tưởng cách mạng", đó là chính tà không phân biệt rõ ràng, nhân vật tưởng chính như Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần lại hóa ra cực kỳ xấu xa, nhân vật tưởng tà như Đông Tà Hoàng Dược Sư lại cực kỳ quang minh chính đại, các danh môn chính phái lại không đàng hoàng bằng Ma giáo. Một số nhân vật tà phái lại cực kỳ bô giai đẹp gái như Quang Minh Tả Hữu Sứ Dương Tiêu - Phạm Dao; Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh; Ngũ Độc Giáo Chủ Lam Phượng Hoàng; Ma nữ Minh Minh Đặc Mục Nhĩ...
Điều này theo quan điểm... cách mạng là không được, ta là ta địch là địch, ta là đẹp tốt sáng láng địch dứt khoát phải xấu xa kém cỏi.

Sau này, tôi lại có thêm lòng...tự hào dân tộc vì thấy nhân vật của Kim Dung thua xa nhân vật cách mạng Việt Nam! Này nhé:
- Anh Hùng Xạ Điêu Quách Tĩnh đại hiệp bắn một mũi tên trúng hai con nhạn là đà, chắc chắn chỉ xách dép cho Kơ Pa Kơ Lơng một phát xuyên táo 5 tên giặc.
- Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá bị Quách Phù chém cụt tay nhằm nhò gì so với anh hùng La Văn Cầu tự mình cắt cụt cánh tay bị thương, còn một tay ôm súng chiến đấu tiếp.
- Kim Cương Bất Hoại Thể Thần Công sao bằng nữ anh hùng Lý Thị Năm bị mấy chục phát đạn, có cả 3 phát vào mặt vẫn sống nhăn răng.
- Công phu Thần Hành Bách Biến phái Hoa Sơn tuổi gì so với khinh công của Lê Văn Tám người cháy như cây đuốc mà bộ pháp không hề rối loạn vẫn chạy như bay cả trăm mét.
- Tiêu Phong võ công oai trấn giang hồ với Giáng Long Thập Bát Chưởng, đại náo Tụ Hiền Trang đánh bại cỡ chục cao thủ võ lâm sao sánh nổi với rất rất nhiều chiến sĩ ta một mình tiêu diệt cả trăm tên địch.
- Đặc biệt công phu "Nâng Bi Lãnh Đạo Tâm Pháp" của đệ tử phái Tinh Tú của phản đồ Đinh Xuân Thu (chữ Đinh trong Hán Tự nghe nói na ná chữ Mao) kém xa lắc Bưng Bô Bí Kíp!
...
Hê hê còn nhiều nữa, tạm thời ngưng để đi "luyện công phu Cầm Nã Thủ".

* Viết tại Nguyễn Gia Trang, vào buổi trưa trời nóng nổi rôm 31/10/2018.
* Hiệu đính và chế thêm 1/11/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét