Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

NÀNG VÀ HẮN



Tiếng chân quen thuộc bước lên cầu thang rồi tiếng mở cửa phòng lạch cạch, nàng thầm nghĩ đã đến giờ nàng và hắn bày cuộc chung vui... Nàng cảm nhận được bàn tay ấm áp của hắn chạm vào cơ thể, rồi đột nhiên hắn bế thốc nàng lên đưa sang phòng kế bên, ô lạ thật! Chắc hắn muốn thay đổi không gian, vì mấy hôm nay nàng nghe hắn than vãn không tìm thấy cảm hứng. Đúng là mấy hôm liền cuộc vui của hắn và nàng toàn bị dở dang...
Nàng nằm dài trên chiếc giường nhỏ chờ đợi và đưa mắt ngắm nhìn cơ thể rồi tự nhủ một cách mãn nguyện: "Mình vẫn nuột nà đấy chứ, có lẽ không thay đổi nhiều so với lúc về với hắn".
Đợi mãi vẫn không thấy hắn quay lại, nàng đang sốt ruột thì chợt nghe văng vẳng tiếng hắn và cô gái lạ nào đó bên phòng kia vọng sang. Có lẽ nào...?!
Không thể lầm lẫn được, những tiếng tình tự thì thầm nhẹ nhàng, những tiếng thét gào khi cao trào dâng cao, đúng là hắn đang thăng hoa nhưng không phải với nàng mà với một người khác. Thôi thế là hết thật rồi, nàng vẫn từng biết rồi cũng sẽ có ngày vị trí của nàng trong tim hắn sẽ được thay thế bởi một người khác cao sang hơn, thế nhưng sao trong lòng vẫn không khỏi ngậm ngùi...

- Nàng: TASTAR, quốc tịch China.


- Nàng kia: RODE, quốc tịch Australia.


* Tay đơ viết vu vơ!


Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

KIM DUNG VÀ QUAN ĐIỂM CHÍNH TÀ

Cấm Dùng Sếnh Sáng thế là đã "xiào ào jiāng hú - tiếu ngạo giang hồ" sau ông nội tôi những 46 năm! Ông nội chính là người đã vô tình đưa tôi đến với những trang tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình.



 

Ngày ấy, chắc cỡ 1966-1967 gì đó, ông nội thường bắt tôi đọc báo cho ông nghe, đọc tất tần tật hết cả nội dung tờ báo, tôi còn nhớ nhật báo TIẾNG VANG lúc bấy giờ đang đăng feuilleton truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, ông nội rất khoái nhân vật Lệnh Hồ Xung trong truyện. Thật tình lúc bấy giờ tôi chỉ thích đọc mục truyện cổ tích chứ cũng chưa khoái thể loại truyện này, rồi dần dà máu "kiếm hiệp - quân tử tàu" ngấm vào lúc nào không biết. Cũng sau này mới biết ông nội thích thằng cháu đích tôn đọc là vì cái sự... biết đọc của nó thôi chứ coi truyện thì tự mình coi vẫn thích hơn chứ!

Đến khoảng năm 71-72 nhà chuyển sang đọc báo Sóng Thần, báo này lại đăng truyện Lộc Đỉnh Ký có nhân vật Vi Tiểu Bảo, nhân vật này tôi lại càng không thích vì võ nghệ kém cỏi bậc nhất trong các nhân vật chính của Kim Dung. Năm đó cô em gái tôi cũng mới 5 tuổi lại cũng đã đọc Kim Dung! Thời bấy giờ, có rất nhiều tiệm cho thuê truyện mọc lên, rồi sau đó lại có cả các anh sinh viên làm thêm bằng cách chở truyện đến tận nhà cho thuê, ôi giời thế là đọc đã đời, cứ gọi là "sướng rên mé đìu hiu". Nhà cứ thuê vài cuốn, do đó xảy ra tình cảnh cuốn 1 đang có người đọc rồi, tôi nhảy qua cuốn 2 đọc, rồi lại đọc ngược lại cuốn 1, thế mà vẫn hấp dẫn như thường!

Mê mẩn với những nhân vật võ công cái thế, thả hồn say sưa với những tuyệt thế giai nhân, già trẻ lớn bé cắm cúi theo từng trang tiểu thuyết mà đa số đã cũ mèm vì quá nhiều lượt thuê. Có thể nói không có loại tiểu thuyết nào gây nghiện như truyện kiếm hiệp của Kim Dung nói riêng, và một số tác giả khác như Cổ Long, Thanh Vân...

Phải nói "nội công" của Kim Dung về lịch sử, địa lý, võ thuật, triết học, Phật học cực kỳ cao cường, có lẽ vì vậy cách ông đặt tên cho các chiêu thức; ngoại hiệu và tên của nhân vật cả chính lẫn tà...đọc nghe thật đã điếu, nào là Phi Long Tại Thiên; Thần Long Bái Vĩ; Cửu Âm Bạch Cốt Trảo; Độc Cô Cửu Kiếm...; Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác; Cửu Chỉ Thần Cái Hồng Thất Công; Ác Quán Mãn Doanh Đòan Diên Khánh; Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương; Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu...

NHƯNG! Kim Dung có một "hạn chế" lớn về "tư tưởng cách mạng", đó là chính tà không phân biệt rõ ràng, nhân vật tưởng chính như Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần lại hóa ra cực kỳ xấu xa, nhân vật tưởng tà như Đông Tà Hoàng Dược Sư lại cực kỳ quang minh chính đại, các danh môn chính phái lại không đàng hoàng bằng Ma giáo. Một số nhân vật tà phái lại cực kỳ bô giai đẹp gái như Quang Minh Tả Hữu Sứ Dương Tiêu - Phạm Dao; Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh; Ngũ Độc Giáo Chủ Lam Phượng Hoàng; Ma nữ Minh Minh Đặc Mục Nhĩ...
Điều này theo quan điểm... cách mạng là không được, ta là ta địch là địch, ta là đẹp tốt sáng láng địch dứt khoát phải xấu xa kém cỏi.

Sau này, tôi lại có thêm lòng...tự hào dân tộc vì thấy nhân vật của Kim Dung thua xa nhân vật cách mạng Việt Nam! Này nhé:
- Anh Hùng Xạ Điêu Quách Tĩnh đại hiệp bắn một mũi tên trúng hai con nhạn là đà, chắc chắn chỉ xách dép cho Kơ Pa Kơ Lơng một phát xuyên táo 5 tên giặc.
- Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá bị Quách Phù chém cụt tay nhằm nhò gì so với anh hùng La Văn Cầu tự mình cắt cụt cánh tay bị thương, còn một tay ôm súng chiến đấu tiếp.
- Kim Cương Bất Hoại Thể Thần Công sao bằng nữ anh hùng Lý Thị Năm bị mấy chục phát đạn, có cả 3 phát vào mặt vẫn sống nhăn răng.
- Công phu Thần Hành Bách Biến phái Hoa Sơn tuổi gì so với khinh công của Lê Văn Tám người cháy như cây đuốc mà bộ pháp không hề rối loạn vẫn chạy như bay cả trăm mét.
- Tiêu Phong võ công oai trấn giang hồ với Giáng Long Thập Bát Chưởng, đại náo Tụ Hiền Trang đánh bại cỡ chục cao thủ võ lâm sao sánh nổi với rất rất nhiều chiến sĩ ta một mình tiêu diệt cả trăm tên địch.
- Đặc biệt công phu "Nâng Bi Lãnh Đạo Tâm Pháp" của đệ tử phái Tinh Tú của phản đồ Đinh Xuân Thu (chữ Đinh trong Hán Tự nghe nói na ná chữ Mao) kém xa lắc Bưng Bô Bí Kíp!
...
Hê hê còn nhiều nữa, tạm thời ngưng để đi "luyện công phu Cầm Nã Thủ".

* Viết tại Nguyễn Gia Trang, vào buổi trưa trời nóng nổi rôm 31/10/2018.
* Hiệu đính và chế thêm 1/11/2018.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

"ON LAI" VÀ "LAI"

Mắc Zu Quả thật thiên tài

Tác dụng của mạng xã hội - ở Việt Nam là Facebook - rất to lớn và làm thay đổi nhiều thứ, như trong thực tế đã xảy ra. Với mục đích vui là chính nên trong bài viết này không đề cập đến những mặt lợi ích của mạng xã hội, mà chỉ nói chuyện phiếm về những chuyện bên lề.

2009, tôi biết đến Facebook và tạo tài khoản, lúc đấy cũng chả hiểu nó là cái giống gì, chỉ vì cái tính hay lọ mọ, thấy cái gì mới mới là chui vào thôi. Ngày ấy Facebook vắng như chùa Bà Đanh, cũng chả thấy có gì hay ho, thi thoảng up cái ảnh lên cũng nghĩ như mấy trang cho lưu ảnh vậy thôi, cũng không nhớ lúc bấy giờ đã có nút like hay không.

Dần dà, cư dân mạng ngày càng đông đúc, cuộc sống ảo bắt đầu thành cơn dịch, thậm chí nghe nói có người phải đi cai nghiện Facebook! Nút like bắt đầu phát huy tác dụng. Phải nói anh cu Mác Zu này tầm nhìn nó kinh thật, xứng đáng trở thành tỷ phú (không biết có phải do hên không nữa). Giờ ra quán cà phê mà xem, khung cảnh thường thấy là mọi người mạnh ai nấy cắm mặt vào xì mát phone, thi thoảng cười khúc khích như đứa khùng. Lâu lâu trong bọn có người này ngước lên với gương mặt đần đần hỏi gì đó, thì người kia ngước lên cũng với gương mặt đần không kém, ú ớ trả lời láp nháp rồi lại cắm mặt vào màn hình, tiếp tục quẹt quẹt - vuốt vuốt - chọt chọt.

Đã khuya rồi anh ngồi đếm lai

Cách đây khoảng năm năm, có một cô nọ, tự nhiên cười tủm tỉm, quay sang nói tôi: "Hơn 100 like rồi đó anh". Lúc đó thực tình tôi chả hiểu cô ấy nói gì, mặc dù trình độ công nghệ cũng không đến nỗi, chỉ vì mình không để ý đến cái "nút like thần thánh" kia. Hỏi ra mới biết, cô ấy up hình lên và đã được hơn 100 cái lai. Thì ra là thế! Thật đúng là: "đã khuya rồi em ngồi đếm...lai"  (chế lời bài hát gì có câu "đã khuya rồi anh ngồi đếm sao").
Bắt đầu từ bấy giờ, tôi mới để ý xem thiên hạ hay up cái gì và like cái gì (để còn câu like, he he). Giời ạ! Lúc đó mới cảm nhận được câu "ảo tung chảo" là như thế nào! Ảo tới nỗi nghe đâu đã có vài trường hợp tán tỉnh cưa cẩm nhau trên Facebook, đến lúc gặp mặt hai bên lao vào tẩn nhau một trận kịch liệt vì tức quá, cả nữ lẫn nam có thể đóng phim Thị Nở Chí Phèo khỏi hóa trang! Lại có anh hẹn gặp "óp lai" ở trung tâm thương mại, khi thấy mặt đối phương anh ta hãi đến nỗi phi thân từ lầu xuống đất què giò (may là lầu lửng).
Đó là trường hợp tung hình đã qua "bùa phép", còn hình thật thì sao nhỉ, cái này mới chết cười! Có lẽ bà con ghiền phây là vì lý do này: trên Facebook, nữ thì xinh tươi như thần tiên tỷ tỷ, nam thì phong độ như thượng đẳng thiên sứ Grabiel! Kiếm lòi mắt không ra một lời chê, cũng phải thôi, đứa nào chê thì bà/ ông block ngay, cút xéo!











Thế đấy, bảo sao thiên hạ không nghiện phây! Rồi lại sinh ra chuyện tức nhau, "ùn phen" nhau chỉ vì cái tội không chịu "lai", thành ra mới có vụ..."lai dạo"! Có nhiều status, biết chắc chắn trong số bấm lai có dễ đến 80% không đọc, không xem cũng lai một phát cho nó máu! Nhiều khi "lai" chỉ để trả nợ: người ta "lai" mình giờ mình cũng phải "lai" lại, không thôi trách móc rách việc!

Giang Cư Mận Up Gì Và Like Gì

Từ khi smartphone trở nên phổ biến thì hầu như cái gì dân cư mạng cũng up. Trước khi ăn, úp! Ăn xong, úp! Lái xe, úp! Đậu xe, up! Đi tè, up (tui chứ ai!). Giờ còn thêm cái vụ "lai vơ sơ chym"! Người người, nhà nhà, ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, liên hoan, nhảy đầm, cả chửi lộn cũng live stream.
Càng xàm dường như càng nhiều like, vì vậy nảy sinh tình trạng câu like bằng mọi giá, không riêng gì ở Facebook mà Youtube hoặc các mạng khác cũng có. Có nhiều cách, có thế là đăng tít thật "oanh liệt", nội dung thật huề tiền! Hoặc trưng bày hàng hóa trái cây dưa hấu bưởi dừa, thậm chí cả mướp cũng trưng tuốt luốt!
Ngược lại, càng nghiêm túc càng ít like, đặc biệt tin liên quan đến xã hội thì đếm like chỉ trong vòng 1 nốt nhạc, khỏi đếm nguyên đêm! Thậm chí đã từng có người bị unfriend vì cái tội toàn viết chuyện chính trị xã hội. Ai bảo! Lên mạng thì hãy sống ảo đi, hãy đi mây về gió, mơ mơ màng màng, thả thính (thả hàng thúng càng tốt), lơi lả ngả nghiêng, thả tim (loại tim bấm một phát nó bay rào rào như đạn pháo phòng không), đã lên mạng lại còn vác chuyện tả thực ra làm chi.
Hãy nhớ lấy cẩm nang bí quyết sau:
- Gặp mấy anh thì cứ thế này mà khen cho hắn tối tăm mặt mũi: Anh đẹp trai quá; Phong độ quá; Trẻ trung quá; khen tợn vào dù cho hắn ta bụng 1 múi, tóc 1 cọng, răng 1 chiếc.
- Còn gặp mấy bà mấy cô thì: Ui, chụy yêu của em thật xinh đẹp; Chị yêu mặc gì cũng sang trọng; Trời, tưởng là hai chị em (nếu hình chụp với con gái); Da chị đẹp quá, em ghen tị quá đi (dù cho có thể sần sùi xà mâu); Nhìn chị cứ tưởng U20 (mặc dù da cổ thòng xuống như yếm bò); Ôi, dáng chị mặc váy tuyệt quá (mặc dù hai đầu gối một cái ở Sài Gòn một cái ở Chợ Lớn).
Nhớ cứ thế mà phang tới tới.

Kỳ sau đón đọc: "ON LAI" VÀ "LÔ VE"

Cuối tháng 05/2018
Trùm Câu Lai

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

XUÂN CẢM

DẪN NHẬP

Cảm nhận về mùa xuân ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của đời người rất khác nhau. Thuở nhỏ, nghe người lớn than vãn mệt mỏi vì "tết nhất" mấy đứa trẻ nào biết được mà chỉ cảm thấy háo hức chờ mong. Dần dà, sự háo hức ấy mất dần theo thời gian, đến một lúc nào đó Xuân gợi nhiều suy tư: một chút bâng khuâng, một chút tiếc nuối, một chút bềnh bồng nỗi nhớ mông lung, có lẽ như mấy câu thơ trong bài Cảm Xuân của Trương Lỗi bên tàu thời Bắc Tống diễn tả:

Bất giác du du quá
Đông phong hoán cố niên
(Trương Lỗi)

Tìm đâu ngày tháng đã qua,
gió đông thổi mất đâu là năm xưa
(Dịch: Phan Lang)


Đời người như bóng câu qua cửa, ngoảnh lại đã 48 mùa xuân nhẹ lướt qua cái không gian trên hình, ngày ấy "cu Cao" còn chưa xuất hiện, ấy vậy mà giờ nó đã là một trung niên chuẩn bị bước vào phiên chợ chiều. Ngày ấy "lão phu" còn là một thiếu niên dĩ nhiên chỉ biết tết là được lì xì, là mặc quần áo mới, là được đi chơi, được đi chúc tết họ hàng, và lấy làm ngạc nhiên tại sao người lớn ai cũng than vãn mấy ngày trước đó nhưng rồi sau thời khắc giao thừa thì người người đều hớn hở vui tươi chúc tụng rôm rả.


"NGƯỢC THỜI GIAN TRỞ VỀ QUÁ KHỨ" VỚI TỪNG CÁI TẾT ĐUÔI SỐ 8


TẾT 1968:

Tết này là một cái tết gây ấn tượng khó phai, khi ấy nhà còn ở Phú Nhuận. Tết này thì nhiều nơi ở miền Nam là cháy nhà, là ly tán, là tang tóc. Ngay tại Sài Gòn, lần đầu tiên nhóc tì tôi được nghe tiếng "bích kích pháo", được thấy khu trục cơ (Skyraider) bay lượn gầm rú trên bầu trời, được thấy máy bay trực thăng phóng rốc kết.
Sau này mới biết là do ta đã ứng dụng câu "chiến trận chia gian, bất yếm trá ngụy" của tàu Hàn Phi Tử một cách triệt để thần sầu quỷ khốc, lừa cho địch mải ăn chơi tết ta đánh úp. Hỡi ôi, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên! Dân chúng chết khá nhiều, ta hy sinh cũng không ít, nhưng việc lớn bất thành!


TẾT 1978:

Có lẽ cái tết này là tết đói rách nhất trong những cái tết số 8. Thuở ấy (chắc là do "hậu quả chiến tranh" hoặc do các "thế lực thù địch"... các thứ), nên toàn quốc ăn bo bo, thậm chí tôi còn nhớ có tay nào đó hùng hồn chứng minh bo bo bổ khỏe các kiểu, ngay cả trên đài truyền hình cũng có hướng dẫn gói bánh chưng bằng bo bo. Bo bo muôn năm!
Có câu đối tết độc đáo (hơi bốc mùi tí) thời bấy giờ không biết có ai còn nhớ, đại khái:

Hoa thơm thì không đẹp, hoa đẹp thì không thơm, hoa ngọc lan vừa thơm lại vừa đẹp.
Rắm thối thì không kêu, rắm kêu thì không thối, rắm bo bo vừa thối lại vừa kêu.


Qua mấy cái tết vắng ông cụ thân sinh, tết này cụ đã trở về hiện diện tại cái không gian trong hình trên cùng đón tết đói với đàn con. Cũng chả nhớ là mấy năm bà cụ xoay sở thế nào mà anh em tụi tôi cũng có áo quần mới, tôi thì bắt đầu mặc quần áo của ông cụ may từ trước 1975 mặc dù hơi lùng thùng một chút nhưng được cái vải "xịn" (ốc pho ốc phiếc) gì đấy, cũng gọi là có chút xuân. Bấy giờ mấy thằng bạn cùng trang lứa đa số "nhất y nhất quởn", quần áo hoặc là lùng thùng do mặc "khính" hoặc "chó táp bảy ngày không tới" vì ngắn cũn cỡn. Có tay bạn đại gia kể lại chuyện xưa mặc cảm vì cả năm chỉ "diện" cái quần bạc phếch, áo thì không biết màu nguyên thủy là màu trắng hay màu kem, đi học về giặt ngay phơi khô mai mặc tiếp. Hắn tả có vẻ thảm não lắm, tức thì một đám nhao nhao "mày làm như có mình mày, thằng nào chả thế", được cái vải ngày đó còn sót lại loại vải "tê ta rông" vừa bền vừa mát, mặt càng lâu càng mỏng, mỏng đến độ lồ lộ thịt da vẫn không rách, càng mỏng càng mát giặt lại mau khô!


Năm này thì tôi cũng đã giã từ mái trường phổ thông để chui vào học trường kỹ thuật, có được hàng tháng tí nhu yếu phẩm như đường dù chỉ là đường tán hay đường cát nâu đậm gần như đen thui, cũng gọi là có chất ngọt ngọt; thịt dù bầy nhầy bạc nhạc cũng coi như là có pờ rô tê in (protein) v...v...thế cũng tươm!

Giờ nhiều người hay chê bôi các kiểu mà không chịu so với hồi nẳm, cứ toàn so với bọn tư bổn rồi thắc mắc sao thua xa Hàn với Sing linh tinh!


TẾT 1988:

Tết này tuy chưa thoát khỏi khổ nghèo nhưng không còn phải ăn bo bo, cũng không thấy ti vi hướng dẫn làm bánh chưng bo bo và không thấy anh cu nào hô hào bo bo bổ khỏe. Thật ra đến giờ cũng không hiểu bo bo bổ thế nào, chỉ nhớ là dù luyện được cơ hàm cực khỏe nhưng đầu vào thế nào đầu ra y xì thế ấy.
Thế cũng được rồi, rõ ràng so với thời khổ thì có sướng hơn!

Năm này cũng là năm đặc biệt đáng nhớ của tôi, vì trở lại mái trường đại học sau 10 năm học nghề và hành nghề mộc, coi như chuyển từ cầm đục sang cầm bút, bút dĩ nhiên cầm nhẹ hơn, xin nhường phần lao động là vinh quang lại cho người khác, chấp nhận mang tiếng lánh nặng tìm nhẹ vậy!

Nhân vật "cu Cao" nói ở trên cũng vào đại học, tuy đủ điểm đi du học Liên Xô, nhưng không biết tại sao lại bị gạt ra, tưởng rủi hóa lại may, vì sau đó Liên Xô sập tiệm, và rồi sau đó nữa cu cậu lại được du học ở Huê Kỳ quốc! Bọn tư bổn Mỹ tuy xấu nhưng trường học của nó tốt nhất thế giới!

Những năm tháng làm công nhân ngày tết cũng có nhiều cái vui, nhu yếu phẩm cũng khá hơn hồi còn đi học kỹ thuật, tiền thưởng cuối năm A B C các thứ cũng đỡ (mặc dù mấy năm đầu hắn chuyên bị bình bầu thưởng hạng C, vì cũng ít có... ba gai, coi lãnh đạo không ra ký lô gam nào ấy mà).

Hồi ấy hầu như nhà nào cũng có gói bánh chưng (không gói lấy gì ăn!). Phải canh ngày gói bánh chưng trùng với ngày phát thịt ở xí nghiệp, chuẩn bị mọi thứ gạo đậu lá lủng các thứ đâu đó sẵn sàng, có thịt xí nghiệp là phi ngay về để gói bánh. Lại còn đi gói bánh phụ hết nhà này tới nhà kia cũng vui...như tết!


TẾT 1998:

Coi bộ tết này bắt đầu thời kỳ tươm tươi, lúc đó bầy em đã lớn (may không đem gươm đao vào xóm làng như trong nhạc phẩm Cơn Mê Chiều), mẹ cha không còn vất vả chạy ăn, tết nhất cũng không còn là nỗi niềm băn khoăn gì lớn.
Ừ nhỉ, năm nay là năm thứ ba đón tết trong ngôi nhà lầu đúc hẳn hoi thay thế cho ngôi nhà năm nào (ông thầy dạy kiến trúc từng hỏi thăm: nhà mày xây lại chưa chứ tao thấy giống nhà xóa đói giảm nghèo quá em).

Cũng lạ là mãi đến về sau này hiện diện trong những giấc mơ lại chỉ là ngôi nhà cũ chứ không phải ngôi nhà sau.


TẾT 2008:

Cứ thế những cái tết bình yên bắt đầu tuột qua dòng đời, và hắn bắt đầu...chán tết. Bắt đầu không còn cảnh kéo lũ lượt một đoàn bạn bè đến nhà thằng này xong lại đến nhà thằng kia, có nhiều khi vừa chúc tụng thằng nọ ở nhà nó, lại kéo ngược về nhà minh, lại...chúc!). Bắt đầu cảm thấy lăn tăn suy tư mỗi độ "hoa cúc hoa mai nở rồi"! Suy tư cái gì cũng...chả biết, nhiều khi suy tư chỉ là... tâm tư! Bắt đầu nhớ nhớ tiếc tiếc cái thời... tết đói, bắt đầu ngậm ngùi: "giờ bánh chưng chỉ ăn giỏi lắm là 1/8, còn hồi đó cứ điểm tâm là cậu chàng xơi một cái, lai rai trong ngày một cái nữa, vị chi là "chuyên chở" hai cái/ ngày.

Tết là tắt điện thoại, là tạm ngừng mọi liên lạc đời thường, sướng! Dĩ nhiên là sau khi giải quyết mọi việc ổn thỏa từ những ngày trong tết.


TẾT 2018:

Những các tết sau này bắt đầu là tết xuyên lục địa, tết của internet, của live stream, ngoảnh đi ngoảnh lại, đám em nay không phải đã lớn mà là đã già, rồi cũng ít có thể tập trung đông đủ - một điều mà ngày xưa (lại ngày xưa) thấy rất đơn giản dễ dàng, nhưng giờ cũng khó thực hiện!

Lại tết nữa rồi, nhanh quá, đó là câu cửa miệng của hắn và những thằng bạn của hắn trước sự vận hành theo chu kỳ của trời đất. Ở mỗi độ tuổi sẽ cảm nhận khác nhau, tất cả có lẽ do bộ não điều khiển chứ thời gian thì vận tốc trái đất vẫn vậy, một năm 365 ngày vẫn là 365 ngày thôi!

Xuân kia sáu bẩy mươi lần 
Của giời tham được độ ngần ấy thôi 
Chơi hoang mất nửa đi rồi 
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo 
Trông gương luống đã thẹn thò 
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ 
Thương thay! xuân chẳng đợi chờ 
Tiếc thay! xưa những hững hờ với xuân 
Trăm nghìn gửi lại Đông Quân 
Hãy khoan khoan tới, hãy dần dần lui 
Lượng xuân xin chớ hẹp hòi
(Xuân Cảm - Thơ Tản Đà)


Khai bút viết lăng nhăng tản mạn về những cái tết gọi là giải muộn cũng được một vài trống canh./.

Ông Tạ, mùng 8 Tết Mậu Tuất.