Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

HỒN XÁC XÂY THÀNH, THỜI GIAN LUỐNG VÔ TÌNH

Tôi hằng có ý định đi đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (nay gọi là Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An), nhưng rồi cứ lần lữa do công kia việc nọ mãi không đi được! Hồi cuối năm có thằng bạn thân dẫn cả gia đình vợ con đi đến nơi này (mặc dù hắn không có người thân nào nằm ở đây) chỉ với mục đích dạy cho con hắn biết một phần lịch sử điêu linh của dân tộc. Tên này hồi nhỏ làm văn cũng khá giỏi, nên khi nghe hắn kể lại thì thằng kể cũng rưng rưng, thằng nghe cũng bùi ngùi.
Dẫu biết là sau mấy chục năm thì thương hải biến vi tang điền, vật đổi sao dời, và dù cũng đã nghe kể qua về tình trạng thực tế, nhưng khi đến nơi tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, nếu không đi cùng với Đôn Đài (gã này tên Đôn làm Đài truyền hình) lên viếng anh Hồng - anh ruột gã, chắc chắn tôi cũng không tìm ra đường vào.

NTQĐBH trước đây được thiết kế rất chỉnh chu, và nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất "hoành tráng", đây chắc có lẽ là loại thiết kế công trình nghĩa trang đầu tiên ở Việt Nam. Đã có nhiều bài viết về nghĩa trang lịch sử này, chỉ xin tóm tắt một số điểm chính theo ký ức của lần tiễn đưa chú Tường năm 1973 - một người chú họ của thằng tôi:

Ngồi trên chiếc GMC, xa xa tôi đã thấy ngôi đền tử sĩ trên một ngọn đồi với nhiều bậc cấp như con rồng uốn khúc dẫn xuống cổng tam quan. Trên con đường nhỏ dẫn thẳng từ xa lộ Biên Hòa vào, chiếc xe tang chầm chậm lăn bánh giữa hai bên là ruộng nước, cảnh tượng đẹp tê tái nghẹn ngào!


Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trước năm 1975 nhìn từ xa lộ (nguồn Internet)

Hiện nay cạp đất mà ăn là xu hướng thời thượng! Cho nên khung cảnh này chỉ còn trong hoài niệm, khu vực này được che phủ hoàn toàn bởi nhà cửa, kho xưởng các loại. Một thời gian dài nghĩa trang này được giao cho bộ đội quản lý, nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có những con bò do bộ đội nuôi tăng gia thơ thẩn kiếm ăn trong khuôn viên nghĩa trang, vì thế mọi thứ đều hoang hóa, xuống cấp tiêu điều. Đến khoảng giữa thập niên 90 do chính sách thay đổi, nghĩa trang được giao về cho dân sự quản lý và bắt đầu cho phép thân nhân vào thăm viếng tu sửa cải táng v...v...


Hình Cổng Tam Quan lên Đền Tử Sĩ trước năm 1975 và năm 2011 (nguồn Internet)

Cổng Tam Quan hiện nay 2017 cũng giống hình này (nguồn Internet).

Cổng tam quan nay đã được dọn dẹp không đến nỗi tàn tạ như hình chụp năm 2011 trên đây, tuy nhiên thường có những xe tải, xe công ten nơ đậu che phía trước, muốn đi vào cũng hơi khó. Mặt khác, chính quyền đã mở một cổng vào khác phải và đi vòng một đoạn cũng khá xa. Do trở ngại này tôi cũng chưa vào đến trong Đền Tử Sĩ, cho nên cũng chưa tận mục sở thị xem thế nào, theo một bức hình trên Internet chụp năm 2016 thì các bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ cũng đã được khai quang.


Bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ (trước năm 1975 - nguồn Internet)

Bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ (hình chụp năm 2016 - nguồn Internet)


Cổng vào hiện tại của NTND Bình An nằm bên hông cách khá xa so với cổng tam quan xưa

Trích dẫn một đoạn mô tả về NTQĐ:
"...Trên nền đất phẳng, Công Binh cho đổ 10,000 thước khối đất làm thành một ngọn đồi nhân tạo. Ðại đội xe “benne” phải làm việc gần hai tháng.
Trên ngọn đồi nhỏ này, Công Binh xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Cây kiếm có thân bốn cánh hình chữ thập cao 43 thước. Chân của chữ thập đường kính 6 thước rưỡi và trên mũi nhọn là ba thước rưỡi, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy thành phố Sài Gòn.
Cây kiếm đúc bằng ciment cốt sắt từng tảng chồng lên nhau chịu được sức gió trên 120km/giờ. Phía dưới bệ đài xây ciment vòng chung quanh thành một vành khăn được gọi tên rất xúc động là Vành Khăn Tang. Trên Vành Khăn này dự trù sẽ có các công trình điêu khắc về các chiến công của Quân Ðội Việt Nam qua các thời đại..."
(nguồn: https://ongvove.wordpress.com/2015/05/01/nghia-trang-quan-doi-bien-hoa-chuyen-ke-tu-dau/)

Qua mấy mươi năm không được bảo quản mà Nghĩa Dũng Đài với vành khăn tang và thanh kiếm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng biểu tượng thanh kiếm đã bị cắt cụt bớt ngọn. Méo mó nghề nghiệp một chút: hồi xưa mấy ông công binh không biết làm kiểu gì mà công trình bền vững kinh khủng!

Phía sau là Nghĩa Dũng Đài với biểu tượng Thanh Kiếm Và Vành Khăn Tang

Vòng quanh thắp hương giữa các ngôi mộ và ngó ngang ngó dọc một hồi với nhiều cảm xúc lẫn lộn, có một điểm chung là đa số những người nằm xuống đều ở độ tuổi rất trẻ, lứa tuổi 20-22 phơi phới căng tràn sức sống với bao hoài bão ước mơ nhưng tất cả đều chịu chung số phận nghiệt ngã bi thảm của dân tộc.
Những ngôi mộ được xây lại chăm sóc tươm tất như mộ anh Hồng; chú Tường... thì không nói làm gì, vẫn biết xác thân chỉ là cát bụi, nhưng dù sao thì họ cũng yên nghỉ trong sự tưởng nhớ chăm sóc của người thân, chắc họ cũng an nhiên tự tại thanh thản ở thế giới bên kia, nếu có!

Mộ anh Hồng (anh của Quý Đôn) - tử trận  năm 1974

Mộ chú Tường - tử trận năm 1973

Một số ngôi mộ gần đây do các tổ chức quyên góp, được tu sửa, xây mới bằng gạch, trát vữa quét vôi trắng đơn giản thôi nhưng cũng giảm phần cô quạnh hắt hiu. Cũng có những dãy mộ chỉ được vun đắp có lẽ do nguồn đóng góp không được dồi dào.

Quý Đôn thắp hương cho cho các ngôi mộ đã được xây lại do các tổ chức cá nhân thiện nguyện

Bao oan khiên đang về đây hú với gió (chỉ có một số ít ngôi mộ này có bia mộ)

Bát nhang "chế" từ nửa viên gạch đinh

Tuy vậy còn rất nhiều các nấm đất hoang tàn, có nấm còn bia, có nấm mất hẳn bia, có nấm đã gần như sạt bằng với mặt đất, ta chỉ còn có thể đoán chừng được do vị trí hàng lối của chỗ đất đó mà thôi!

Những nấm đất đá không bia mộ

Bia khong mộ, mộ không bia


Đặc biệt có một ngôi mộ ghi tên người lính Lê Văn Trên làm tôi hết sức xúc động, ngôi mộ này được đắp bằng những cục đá xanh và cũng quét vôi lên từng viên đá, mộ bia cũ được dựng ngay ngắn, tấm hình có lẽ lấy từ một tấm hình chụp tập thể phóng ra lại thêm tác động của mấy chục năm hoang phế nên hơi nhòe. Ngắm bia mộ, tôi chạnh nghĩ có thể hẳn người thân cũng muốn chăm sóc nhưng do hoàn cảnh nên không thể làm gì khác hơn. Thôi thế chắc hẳn anh cũng ấm lòng!

Mộ đá của tử sĩ Lê Văn Trên kế bên có một nấm đất với tấm bia gẫy ngang

Số lượng mộ chưa xây còn rất nhiều, đa số rơi vào khu vực chôn cất năm 1974-1975, chắc có lẽ thời gian này là thời gian mà chiến cuộc đã đi đến hồi kết nên chính quyền lúc bấy giờ không kịp thực hiện. Cho tới nay nhiều tổ chức - cá nhân ở quốc nội, quốc ngoại đã đứng ra thực hiện công việc bồi đắp tu bổ nhưng cũng chưa thể làm hết toàn bộ. Theo phía quản lý nghĩa trang thì còn vài ngàn mộ như vậy, và chính sách hiện nay là tạo điều kiện và khuyến khích để mọi người có thể chung tay tu bổ cho các ngôi mộ trong NTQĐ.
Mượn vài câu thơ của thi sĩ Thanh Nam thay lời kết:
..Ta như người lính thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa…

Chiều Sài Gòn, tháng 4/2017









Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

NHỮNG THÁNG NGÀY CẰN CỖI II

Như đã nói ở phần I, trong một thời gian tương đối dài cả nhà phải lăn lóc đủ các loại hình lao động để tồn tại cho qua quãng thời gian được gọi là “khó khăn chung của cả nước”. Ừ thì đúng là khó khăn chung, thời đó thì ai cũng nghèo ai cũng khổ, chỉ có cái là những gia đình thuộc thành phần thứ cấp như gia đình chúng tôi thì khổ hơn...vài tí, vừa rồi gặp mấy thằng bạn cùng hoàn cảnh (mà hồi đó không biết) nhắc lại nhiều kỷ niệm, thằng nào cũng có thể đưa ra một vài chi tiết giống nhau về "bản chất sự vụ": nào là phải vừa đi học vừa sửa xe đầu đường (may là chưa bị chuyển hóa thành đầu đường xó chợ), nào là nhất y nhất quởn, độc một cái áo từ đầu mùa tới cuối mùa, áo vải tetron (tê ta rông) mặc tới nỗi mỏng le mỏng lét giống như mốt khoe da thịt thời nay, màu áo thì dĩ nhiên không thể gọi là màu trắng được rồi!

Bốc vác

Thời bấy giờ nguyên liệu phổ biến nhất cùng cho đun nấu là củi, nhà nào dùng than đã gọi là sang, dùng dầu hôi thì quá sang luôn! Dọc đường Phạm Văn Hai khu tôi ở có rất nhiều vựa than; vựa củi như vậy, sáng sáng cỡ 5 giờ, các xe tải chở củi hoặc than về tới, những thứ này sẽ cần phải được chuyển xuống chất vào trong vựa! Than nhẹ hơn lại không bị xóc dằm như củi nên hôm nào bốc xe than thì khỏe mà lại được tiền nhiều hơn.
Một lũ lau nhau lớn nhỏ từ tinh mơ đã ngồi chò hõ ngoài đường, mắt dõi về phía cuối đường trông chừng xem có xe xuất hiện là bu tới nhao nhao giơ tay xin làm. Củi được quăng từ trên xe xuống, thằng nào đứng dưới thì có nhiệm vụ chộp và chuyền vào trong, nói là chuyền chứ cũng phải quăng từ thằng này qua thằng kia. Chuyển một xe như vậy cỡ trên dưới 1h30 phút gì đó, tôi cũng không nhớ rõ, chia ra bình quân mỗi thằng được 10 xu, thời giá lúc bấy giờ tôi nhớ lương giáo viên cỡ 30 đồng/ tháng. Ngày đầu tiên làm, buổi chiều đi học không nổi! Hai cánh tay và bàn tay trầy trụa hết. Mãi rồi cũng quen! Tôi thì nhìn tướng tá thư sinh trắng trẻo nên thường phải theo thằng nào trông trâu bò một tí thì mới xin làm được.
Có lần, một thằng bạn được một ông chủ hàng bốc theo xe mấy ngày, về nó kể nghe bắt thèm: nào là ổng cho uống nước đá chanh thoải mái, ăn bánh mì thịt…Khà khà, thế hệ sau này nghe chắc không thể hiểu những thứ đó là cực kỳ xa xỉ lúc bấy giờ.

Mây tre lá

Nhà nhà đan mây tre, người người đan mây tre, có một thời gian như thế! “Hưởng ứng phong trào” tôi với con em gái cũng đi xin người ta cho làm, nào là đi vác tre trúc về cạo vỏ, nào là ngồi khoanh mấy cái đế tròn tròn đủ loại kích cỡ, yêu cầu phải khoanh sao cho chặt, không đạt thì sẽ bị trả về làm lại gọi là “tái chế”. Đế này sau khi nghiệm thu đạt, lại nhận về làm công đoạn đan lát khácCông đoạn nào cũng làm sưng tay mờ mắt, mà thu nhập cũng chả được bao nhiêu. Còn nhớ cái vụ cạo trúc, cạo mãi không xong cái đống trúc nhận về, thế là anh em lếch thếch vác đi trả, vừa đi vừa ca liên khúc... nghèo chắc hay hơn Trường Vũ nhiều!

Làm...phim

Công việc này không dính líu gì tới đóng phim mà là mua phim nhựa cũ về cắt ra, chập hai miếng lại với nhau, ở giữa lót miếng giấy trắng cho nó ửng màu phim lên rồi dùng dây cước kết lại thành túi xách, ví đầm hoặc đại loại các thứ tương tự. làm cái này thì phải lựa phim sao cho khi lót giấy vào nó ửng màu lên đẹp. Phim của Mỹ dầy hơn nhưng màu không tươi bằng phim Hong Kong, nên thường dùng làm các lớp lót bên trong hoặc bên hông. Phim xấu (màu tối hoặc đen trắng) nhiều quá thì lại chế ra cách ngâm phim trong sud cho trong veo rồi lót bên trong bằng các loại giấy màu xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng, rồi lại lấy xút vẽ lên phim để tẩy theo ý muốn thành những chữ như LOVE, SOUVENIR...và lót giấy bạc bao thuốc lá bên trong cho bắt mắt, đẹp nhất là nền phim đen chữ thì nổi bần bật bằng màu giấy bạc từ bao Dunhill. Nghề này tương đối nhàn, lại cũng có tí chút hơi hướng mỹ thuật nên làm cũng vui. Ông bô ngoài giờ dạy học cũng đảm trách vai thợ chính kết các mảnh phim thành sản phẩm hoàn chỉnh. Thế, cũng lây lất một thời gian.

Tôi học thợ mộc

Xác định trước không có cửa vào Đại Học, rồi tình cảnh nhà lúc bấy giờ còn te tua xơ mướp hơn cả trong những truyện ngắn của Nam Cao. Tôi còn nhớ một buổi chiều trên...bến cô liêu, hic, gọi vậy vì bữa đó trời mưa nước ngập vô nhà, cả nhà đang ngồi trên chiếc đi văng, điện thì cúp, 5g chiều chưa có gạo để nấu cơm..., thảm còn hơn giáo Thứ! Bỗng có tiếng bì bõm lội nước, chú Phong - một người bạn của bố xách gạo tới cho, đoạn này coi bộ kết thúc có hậu hơn giáo Thứ!

1978 có thể coi như một bước ngoặt khá lớn (sau này tôi còn vài cái ngoặt cũng không kém phần ngoạn mục), tôi giã từ môi trường phổ thông để vào trung học chuyên nghiệp, nói nôm na là nghỉ học chữ đi học nghề, tuy rằng trường này - Trường TH Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố - cũng thuộc loại bảnh, trước năm 1975 là trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, cũng "xêm xêm" trường Cao Thắng. Năm tôi thi vào cũng phải xếp hàng lấy đơn từ 3, 4 giờ sáng. Mục đích chính là có 16 đồng học bổng hàng tháng và các tiêu chuẩn khác kèm theo như thịt thà cá mú các loại, như một công nhân viên, dường như sau đó được lên 21 đồng thì phải! Nguyện vọng vào ban sơn mài nhưng năm ấy lại dẹp bỏ ban này cho nên tôi được xếp vào ban Kỹ nghệ gỗ, ban này hồi đó thường học sinh chê dữ lắm vì không ngon không bảnh bằng các ban khác như cơ khí ô tô, máy công cụ (phay, bào, tiện...). Còn nhớ có thằng khi được thông báo vào ban Kỹ Nghệ Gỗ, đã khóc tu tu, rồi xin nghỉ. Miễn là có mấy cái khoản nói trên, thì với tôi ban nào cũng được! À một số thằng cũng vào trường chỉ với mục đích trốn nghĩa vụ nữa chớ, mấy năm đó quân "tình nguyện" của ta nướng bên Campuchia cũng bộn!
Môi trường phổ thông và môi trường kỹ thuật khác nhau hoàn toàn, khác từ người thầy người cô, khác từ môi trường, nó không còn hồn nhiên trong sáng như ở trường phổ thông, mà đã mang hơi hướng ma mãnh của cuộc đời. Tôi còn nhớ một vị thầy đáng kính (nhìn tướng là biết dáng của mấy ông giáo sư ngày xưa) có nói một câu: thầy cũng có năm bẩy loại thầy các anh ạ!
Chuyện dài chinh chiến về thời gian ba năm rưỡi học kỹ thuật, chắc phải cho thành một bài khác.
Học đến năm 1982 ra trường, cầm mảnh bằng Cán Sự Trung Cấp, tôi về một xí nghiệp, bắt đầu một đoạn đời mới với những ngày làm cu li bốc xếp chính cống!