Tôi hằng có ý định đi đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (nay gọi là Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An), nhưng rồi cứ lần lữa do công kia việc nọ mãi không đi được! Hồi cuối năm có thằng bạn thân dẫn cả gia đình vợ con đi đến nơi này (mặc dù hắn không có người thân nào nằm ở đây) chỉ với mục đích dạy cho con hắn biết một phần lịch sử điêu linh của dân tộc. Tên này hồi nhỏ làm văn cũng khá giỏi, nên khi nghe hắn kể lại thì thằng kể cũng rưng rưng, thằng nghe cũng bùi ngùi.
Dẫu biết là sau mấy chục năm thì thương hải biến vi tang điền, vật đổi sao dời, và dù cũng đã nghe kể qua về tình trạng thực tế, nhưng khi đến nơi tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, nếu không đi cùng với Đôn Đài (gã này tên Đôn làm Đài truyền hình) lên viếng anh Hồng - anh ruột gã, chắc chắn tôi cũng không tìm ra đường vào.
NTQĐBH trước đây được thiết kế rất chỉnh chu, và nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất "hoành tráng", đây chắc có lẽ là loại thiết kế công trình nghĩa trang đầu tiên ở Việt Nam. Đã có nhiều bài viết về nghĩa trang lịch sử này, chỉ xin tóm tắt một số điểm chính theo ký ức của lần tiễn đưa chú Tường năm 1973 - một người chú họ của thằng tôi:
Ngồi trên chiếc GMC, xa xa tôi đã thấy ngôi đền tử sĩ trên một ngọn đồi với nhiều bậc cấp như con rồng uốn khúc dẫn xuống cổng tam quan. Trên con đường nhỏ dẫn thẳng từ xa lộ Biên Hòa vào, chiếc xe tang chầm chậm lăn bánh giữa hai bên là ruộng nước, cảnh tượng đẹp tê tái nghẹn ngào!
|
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trước năm 1975 nhìn từ xa lộ (nguồn Internet) |
Hiện nay cạp đất mà ăn là xu hướng thời thượng! Cho nên khung cảnh này chỉ còn trong hoài niệm, khu vực này được che phủ hoàn toàn bởi nhà cửa, kho xưởng các loại. Một thời gian dài nghĩa trang này được giao cho bộ đội quản lý, nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có những con bò do bộ đội nuôi tăng gia thơ thẩn kiếm ăn trong khuôn viên nghĩa trang, vì thế mọi thứ đều hoang hóa, xuống cấp tiêu điều. Đến khoảng giữa thập niên 90 do chính sách thay đổi, nghĩa trang được giao về cho dân sự quản lý và bắt đầu cho phép thân nhân vào thăm viếng tu sửa cải táng v...v...
|
Hình Cổng Tam Quan lên Đền Tử Sĩ trước năm 1975 và năm 2011 (nguồn Internet) |
|
Cổng Tam Quan hiện nay 2017 cũng giống hình này (nguồn Internet). |
Cổng tam quan nay đã được dọn dẹp không đến nỗi tàn tạ như hình chụp năm 2011 trên đây, tuy nhiên thường có những xe tải, xe công ten nơ đậu che phía trước, muốn đi vào cũng hơi khó. Mặt khác, chính quyền đã mở một cổng vào khác phải và đi vòng một đoạn cũng khá xa. Do trở ngại này tôi cũng chưa vào đến trong Đền Tử Sĩ, cho nên cũng chưa tận mục sở thị xem thế nào, theo một bức hình trên Internet chụp năm 2016 thì các bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ cũng đã được khai quang.
|
Bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ (trước năm 1975 - nguồn Internet) |
|
Bậc cấp dẫn lên Đền Tử Sĩ (hình chụp năm 2016 - nguồn Internet) |
|
Cổng vào hiện tại của NTND Bình An nằm bên hông cách khá xa so với cổng tam quan xưa |
Trích dẫn một đoạn mô tả về NTQĐ:
"...Trên nền đất phẳng, Công Binh cho đổ 10,000 thước khối đất làm thành một ngọn đồi nhân tạo. Ðại đội xe “benne” phải làm việc gần hai tháng.
Trên ngọn đồi nhỏ này, Công Binh xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Cây kiếm có thân bốn cánh hình chữ thập cao 43 thước. Chân của chữ thập đường kính 6 thước rưỡi và trên mũi nhọn là ba thước rưỡi, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy thành phố Sài Gòn.
Cây kiếm đúc bằng ciment cốt sắt từng tảng chồng lên nhau chịu được sức gió trên 120km/giờ. Phía dưới bệ đài xây ciment vòng chung quanh thành một vành khăn được gọi tên rất xúc động là Vành Khăn Tang. Trên Vành Khăn này dự trù sẽ có các công trình điêu khắc về các chiến công của Quân Ðội Việt Nam qua các thời đại..."
(nguồn: https://ongvove.wordpress.com/2015/05/01/nghia-trang-quan-doi-bien-hoa-chuyen-ke-tu-dau/)
Qua mấy mươi năm không được bảo quản mà Nghĩa Dũng Đài với vành khăn tang và thanh kiếm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng biểu tượng thanh kiếm đã bị cắt cụt bớt ngọn. Méo mó nghề nghiệp một chút: hồi xưa mấy ông công binh không biết làm kiểu gì mà công trình bền vững kinh khủng!
|
Phía sau là Nghĩa Dũng Đài với biểu tượng Thanh Kiếm Và Vành Khăn Tang |
Vòng quanh thắp hương giữa các ngôi mộ và ngó ngang ngó dọc một hồi với nhiều cảm xúc lẫn lộn, có một điểm chung là đa số những người nằm xuống đều ở độ tuổi rất trẻ, lứa tuổi 20-22 phơi phới căng tràn sức sống với bao hoài bão ước mơ nhưng tất cả đều chịu chung số phận nghiệt ngã bi thảm của dân tộc.
Những ngôi mộ được xây lại chăm sóc tươm tất như mộ anh Hồng; chú Tường... thì không nói làm gì, vẫn biết xác thân chỉ là cát bụi, nhưng dù sao thì họ cũng yên nghỉ trong sự tưởng nhớ chăm sóc của người thân, chắc họ cũng an nhiên tự tại thanh thản ở thế giới bên kia, nếu có!
|
Mộ anh Hồng (anh của Quý Đôn) - tử trận năm 1974 |
|
Mộ chú Tường - tử trận năm 1973 |
Một số ngôi mộ gần đây do các tổ chức quyên góp, được tu sửa, xây mới bằng gạch, trát vữa quét vôi trắng đơn giản thôi nhưng cũng giảm phần cô quạnh hắt hiu. Cũng có những dãy mộ chỉ được vun đắp có lẽ do nguồn đóng góp không được dồi dào.
|
Quý Đôn thắp hương cho cho các ngôi mộ đã được xây lại do các tổ chức cá nhân thiện nguyện |
|
Bao oan khiên đang về đây hú với gió (chỉ có một số ít ngôi mộ này có bia mộ) |
|
Bát nhang "chế" từ nửa viên gạch đinh |
Tuy vậy còn rất nhiều các nấm đất hoang tàn, có nấm còn bia, có nấm mất hẳn bia, có nấm đã gần như sạt bằng với mặt đất, ta chỉ còn có thể đoán chừng được do vị trí hàng lối của chỗ đất đó mà thôi!
|
Những nấm đất đá không bia mộ |
|
Bia khong mộ, mộ không bia |
Đặc biệt có một ngôi mộ ghi tên người lính Lê Văn Trên làm tôi hết sức xúc động, ngôi mộ này được đắp bằng những cục đá xanh và cũng quét vôi lên từng viên đá, mộ bia cũ được dựng ngay ngắn, tấm hình có lẽ lấy từ một tấm hình chụp tập thể phóng ra lại thêm tác động của mấy chục năm hoang phế nên hơi nhòe. Ngắm bia mộ, tôi chạnh nghĩ có thể hẳn người thân cũng muốn chăm sóc nhưng do hoàn cảnh nên không thể làm gì khác hơn. Thôi thế chắc hẳn anh cũng ấm lòng!
|
Mộ đá của tử sĩ Lê Văn Trên kế bên có một nấm đất với tấm bia gẫy ngang |
Số lượng mộ chưa xây còn rất nhiều, đa số rơi vào khu vực chôn cất năm 1974-1975, chắc có lẽ thời gian này là thời gian mà chiến cuộc đã đi đến hồi kết nên chính quyền lúc bấy giờ không kịp thực hiện. Cho tới nay nhiều tổ chức - cá nhân ở quốc nội, quốc ngoại đã đứng ra thực hiện công việc bồi đắp tu bổ nhưng cũng chưa thể làm hết toàn bộ. Theo phía quản lý nghĩa trang thì còn vài ngàn mộ như vậy, và chính sách hiện nay là tạo điều kiện và khuyến khích để mọi người có thể chung tay tu bổ cho các ngôi mộ trong NTQĐ.
Mượn vài câu thơ của thi sĩ Thanh Nam thay lời kết:
..Ta như người lính thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn, truy điệu mộng xưa…
Chiều Sài Gòn, tháng 4/2017