DẪN NHẬP
Khoảng cuối tháng 5/1975, bố lên đường vào trại tập trung chưa biết sống chết thế nào, thì tháng 7 thằng Út ra đời. Một nách 7 đứa con, giờ thật sự cũng không hiểu nổi làm cách nào mẹ tôi xoay sở được. Vì tôi còn nhớ hồi nhỏ mỗi lần điền vào Thông Tín Bạ, tại phần nghề nghiệp của mẹ tôi ghi là "nội trợ", thời bấy giờ đa số phụ nữ ở thành thị miền Nam đều như thế cả (dường như sau năm 1975 ít thấy ai còn ghi như vậy). Tức là mẹ tôi chỉ biết ở nhà trông nom nhà cửa, chợ búa, con cái, ấy vậy mà nguyên một khoảng thời gian dài sau này bà cũng đã phải từ bỏ lối sống "tiểu tư sản" và "hòa nhập" với cuộc sống mới cùng với "khí thế cách mạng", có nghĩa là phải lăn ra kiếm sống bằng đủ các loại gọi là "nghề".Tôi cũng phải tham gia "lao động" nhiều loại hình khác nhau, đói thì đầu gối phải bò mà lại.
Khi bố từ trại tù cải tạo trở về, cũng phải xoay sở đủ kiểu để mà tồn tại. Được cái là 7 anh em nhà tôi vẫn được "quán triệt" là phải cố gắng để học, mặc dù thực sự lúc bấy giờ xã hội thay đổi đảo điên, người không biết ngay cả ký tên vẫn làm chủ tịch, trưởng công an phường tôi ở dường như chưa tốt nghiệp... tiểu học, thành phần bần cố nông được vinh danh, còn loại trí thức thì dường như có câu khẩu hiệu gì đó "trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ" không được coi trọng, nên mọi người ai ai cũng nói câu: học cho lắm tắm cũng ở truồng!
NGHÊ CỦA MẸ
Bán Chợ Trời
Hình như ngoài bắc gọi nghề này là "phe" hay sao đấy. Không biết tự lúc nào gần Lăng Cha Cả, vị trí trường Nguyễn Thanh Tuyền bây giờ, hình thành khu chợ trời này. Một thời gian mẹ tôi cũng tham gia vào đội ngũ bán chợ trời, tức là ra đứng ngoài đó thấy ai mang đồ gì ra bán (radio, casette...đủ các thứ) thì trả giá, mua được thì lại cầm đi đứng lòng vòng có ai hòi thì bán. Lúc này mẹ còn mang bầu, đi bán cùng thì có bà Hảo gần nhà, bà này là dân lao động thứ thiệt nên dễ thích nghi hơn. Cũng tại chuyện này mà tôi phải đánh lộn với mấy đứa con của bà Hảo! Chuyện thật là lãng xẹt, một buổi chiều, khi mẹ tôi đang đi về nhà ngang qua nhà bà Hảo, con nhỏ Trinh (con này có hỗn danh là... Trinh ghẻ) tự nhiên nguýt mẹ tôi và lẩm bẩm "có bầu còn bày đặt đi bán chợ trời!", vậy là phải tát cho nó một phát, dĩ nhiên sau đó anh em nó thằng Toàn "mủ", thằng Quốc "ba tầu" kéo ra cả lũ, hồi đó tuy yếu hơn nhưng được cái tôi rất lì đòn, mặt khác học thêm chiêu của Lý Tiểu Long trong phim Tinh Võ Môn "cẩu xực thần công" nên cũng tả xung hữu đột mãnh liệt, chỉ ngại lây ghẻ của con Trinh và thằng Quốc mà thôi! Trong trận chiến mấy cái mụt ghẻ của hai đứa đó cũng toét tòe loe ra mới càng kinh chứ!
Nhân Viên Soát Vé
Lúc bấy giờ nhờ quen bác Giao - nhà văn Thái Bạch - trước đây là dân "nằm vùng", có tí chức quyền trên Sở TTVH, nên xin cho mẹ vào cái chân soát vé nhân dịp đoàn Xiếc Trung Ương vào biểu diễn ở vườn Tao Đàn. Công việc này cũng nhàn hạ, dường như là được 1đ/ tối (tương đương lương giáo viên!), có điều là cũng chỉ làm được một thời gian ngắn, khi đoàn xiếc rút thì cũng thôi. Thời gian này tụi tôi được đi coi xiếc thoải mái!!!
Bán Cá
Nhắc đến chuyện này vẫn chết cười, vì nó thể hiện "năng khiếu kinh doanh" mà mẹ thừa hưởng của ông ngoại! Cái mà người ta thường gọi là "gian buôn bán" thì mẹ tôi và bá Đai (chị của mẹ) dường như bằng không, giống như ông ngoại vậy! Nghe kể ngày xưa ông rất thích đi buôn - mà buôn to cơ - buôn lần nào sạt nghiệp lần đó!
Số là có một ông làm cũng to to, từ ngoài Bắc vào Sài Gòn tìm gặp "người xưa" là bá Đai, thấy tình cảnh "nàng" khổ quá nên mới giúp bằng cách viết giấy giới thiệu cho mua cá ở nhà máy đông lạnh ngay đầu đường Phạm Văn Hai bây giờ. Cá thu cá ngừ gì đó xuất khẩu nên con nào con nấy to đùng!
Mua giá quốc doanh (rẻ như cho) - hàng hiếm (ngoài chợ lúc đó chỉ có cá xô, tên gọi của các loài cá mục...không tên, hồi xưa chỉ làm thức ăn gia súc) - điều kiện cần và đủ để kinh doanh thế là quá tốt! Ấy vậy mà hai bà bán từ sáng tới chiều...không ma nào mua, cuối cùng sang cho người bán cá chuyên nghiệp ngồi cạnh, người ta bán nhấp nháy hết veo!
Giáo Viên
Trường Nhân Chủ (nay là trường Nguyễn Thái Bình), bố tôi là một trong những người sáng lập ra ngôi trường tư này, lúc nhộm nhoạm bấy giờ ban giám hiệu cũ vẫn còn, vì vậy nên họ có thể nhận mẹ tôi vào dễ dàng nhằm giúp mẹ tôi có một công việc ổn định để sinh sống.
Đúng là cái duyên, vì bố tôi gốc là giáo chức, giờ nghề giáo cũng lại chọn mẹ tôi. Mặc dù giáo viên thời đó (và kéo dài mãi đến gần đây) có đồng lương vô cùng bèo bọt, (như đã nói lương nghề này ngang ngửa với lương...soát vé!). Tuy nhiên, với lối tư duy còn sót lại từ thời trước, mẹ tôi đã hành nghề với tất cả lương tâm, với tất cả sự tận tụy của mình cho đến khi bà về hưu.
NGHÊ CỦA BỐ
Trước năm 1975, tôi nhớ rằng trong "các vi dít" của ông ghi: dạy học, bố tôi có vẻ thích sự đơn giản, chứ gọi đúng thời đó là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Thời đó nếu dạy tiểu học gọi là giáo viên, còn dạy trung học gọi là giáo sư. Giáo sư ở đây không có nghĩa như một chức danh hay học hàm, không có nghĩa là professor, chỉ là cách gọi nghề nghệp thôi - không có gì sai cả. Quan điểm của tôi gọi như vậy toát lên sự tôn trọng của xã hội hơn.
Sau khi trở về từ trại tù cải tạo, bố cũng phải thích ứng với cuộc sống mới, tôi nghĩ có phần khó khăn hơn, vì mọi người dù sao cũng làm quen được mấy năm rồi, còn ông hoàn toàn coi như không biết gì về cuộc sống bên ngoài từ tháng 7-1975.
Phụ hồ
Cụ thể cũng không nhớ rõ ông làm được bao lâu, chắc cũng 1 - 2 tuần gì thôi, vì sức khỏe không thể đáp ứng nổi nghề này, mọi người nên nhớ là làm phụ hồ cực hơn thợ hồ nhiều, sức khỏe yếu và không quen thì trộn chừng 1 mẻ hồ là muốn xụi luôn. Cái đập vào mắt tôi là hình ảnh ông mặc quần áo lao động lóc cóc đi làm, khác hẳn ngày xưa đi dạy học đóng bộ giày tây quần áo chỉn chu.
Ngư phủ
Chủ trương nhà cầm quyền lúc bấy giờ là lùa các thành phần như gia đình tôi đi kinh tế mới hoặc hồi hương, gia đình tôi thì hương làm gì có mà hồi! Nên CA Phường kêu bố tôi ra và hăm he các kiểu, ông phải về dưới Long Đất (Bà Rịa) có người bà con xa ở đó để tá túc một thời gian, cũng gọi là đi hồi hương, nhằm né cho cả nhà khỏi bị lùa đi kinh tế mới. Có lần ông về mang theo thịt cá sâu phơi khô, không biết thịt cá sấu tươi như thế nào chứ khô thì ăn cứng như ăn củi! Ông anh họ kể con cá sấu này (không biết có phịa không, ông này cũng thuộc dạng Long Bình tiêu cục) khi mổ bụng nó có thấy cả vòng vàng tức là nó xơi người rồi!
Thằng cha Ba Đấu (tay trưởng công an) sau này nghe nói cũng đi tù vì biến chất hủ hóa gì gì đó.
Thằng cha Ba Đấu (tay trưởng công an) sau này nghe nói cũng đi tù vì biến chất hủ hóa gì gì đó.
Nghề cũ
Bố tôi ở Long Đất một thời gian mấy tháng thì vừa may ở Sở GD có đợt tuyển giáo viên cấp 2, ông bèn xin về thế là trở thành "cán bộ công nhân viên nhà nước". Mặc dù theo ông nói: ngày xưa dạy lớp lớn quen rồi, dạy lớp nhỏ khó lắm, nhưng cũng phải chấp nhận.
Đầu tiên dạy tuốt trên trường Hưng Việt ở Bình Thới. Những địa danh như Bình Thới, Bàu Cát bây giờ thấy bình thường chứ hồi đó là thấy xa xôi thăm thẳm chiều trôi.
Tôi cũng nghỉ phổ thông từ khi đang học lớp 11 ở trường Nguyễn Thượng Hiền để theo đuổi một con đường cứu khổ cứu nạn khác, cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp cà khổ được người quen mua giúp từ...Ba Xuyên, nó cũ tới nỗi trên thị trường hoàn toàn không thấy nhãn hiệu của bộ giò dĩa, bộ đùm, líp của chiếc xe, chắc đúng nghĩa từ thời Bảo Đại luôn.
Mỗi sáng ông già chở tôi từ nhà lên trường TH Kỹ Thuật gần đài phát thanh, rồi lại từ đó phi ra tuốt quận 11.
Sau, tôi thấy vậy cực cho ông già quá, nên quyết định đi xe buýt. Nói vậy để ông già yên tâm, chứ đi xe buýt chỉ đi được lúc sáng sớm ra bến gốc ở Lăng Cha Cả là đi được thôi, còn chuyến về thì tôi phải đi bộ từ trường tới đường Trần Quốc Thảo bây giờ đón, và hiếm khi nào đón được xe vì đông khủng khiếp, nên thường là sử dụng xe lô ca chân tà tà cỡ 7g tối cũng về tới nhà.
Nghề chạy mánh
Song song thời gian đó thì bố tôi và nhiều nhiều người bạn của bố còn làm thêm một cái nghề lạ lùng mới xuất hiện: chạy mánh.
Do nền kinh tế được điều hành một cách quái dị, nên nhà nhà chạy mánh, người người chạy mánh. Như thế này nhé: thường thì một nơi nào đó (hãng xưởng, xí nghiệp, tổ hợp v...v...) cần mua một số mặt hàng - tôi còn nhớ lúc đó thường là thuốc tẩy đường, benzoat, xút....hằm bà lằng - sẽ đưa ra một cái list, thế là người này đưa người kia vòng vòng chạy nguồn hàng, nếu ráp được chỗ bán (lại cũng phải ráp vòng vòng ngược lại) mọi chuyện êm xuôi thành công thì kiếm được một số tiền, nhưng thường là...không thành công!
Còn một số nghề nữa cả bố, cả mẹ, cả tôi, cả nhà bu vào làm tôi sẽ viết trong NHỮNG THÁNG NGÀY CẰN CỖI II.
Viết theo yêu cầu của các em. Kỷ niệm 41 năm!!!
Xong ngày 28/4/2016 tại Rồng Việt Công Ty.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét