Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

CHU LANG

Chu lang ơi hỡi Chu lang!

Chu em, anh gọi là em cho thân mật nhé, vì em nhỏ hơn anh vài tuổi.
Thú thật với em là hôm nghe em phát biểu vụ kén cá chọn canh gì đó, anh là anh điên lắm, nếu anh có mặt hôm đó thì chắc giá nào anh cũng mời em xơi mấy quả phật thủ.
Tuy nhiên khi bình tâm ngẫm nghĩ câu nói của em, anh lại nhận thấy em là người đáng quý vì lẽ em nói đúng bản chất vấn đề, vấn đề mà ai cũng biết nhưng né tránh hoặc dùng những cách nói vòng vo tam quốc dẫn dắt đối phương vào mê hồn trận, cuối cùng như anh hay nói là... huề tiền.

Chu à, anh nghĩ chắc gốc gác của em có thể là dân Nam bộ bên anh đấy, vì dân Nam bộ có cái kiểu nói hụych toẹt chân chất, chứ không có mưu mô xảo quyệt như bọn tàu các em (với anh thì tàu cuốc tàu kéo tàu đài .... cũng là tàu nhé). Bên anh có danh tướng Châu Văn Tiếp người gốc Phú Yên Bình Định, sau phò chúa Nguyễn và mất ở Vĩnh Long. Ông vốn họ Chu nhưng phải cải thành Châu vì kỵ húy chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhiều khi em có tổ tiên ở Vĩnh Long chưa biết chừng, rồi do thời cuộc sao đó trôi dạt sang tàu cho tới đời của em, em về nghiên cứu lại gia phả xem sao nhé!



Anh lại nghĩ có vẻ em chọn nhầm nghề, tính cách như em anh nghĩ làm kỹ thuật tốt hơn, vì với dân kỹ thuật thì 1+1=2; cá hay thép; đúng quá rồi còn gì! Em lại làm nghề lập dự án hoặc làm ngoại giao thì hỏng, em thiếu sự lươn lẹo cần thiết để luồn lách qua các chướng ngại vật. Ví dụ như khi lập dự án gì đấy (mà dự án đó là kinh phí của nhà nước dĩ nhiên rồi), dân đơn thuần về kỹ thuật thì thấy dự án sẽ lỗ chổng mông, nhưng dân lập dự án sẽ phải tô son trát phấn cho nó lung linh thì mới được duyệt chứ! Hoặc giả khi đưa ra phương án xử lý nước thải chất thải gì đó, cũng phải "bùa" (cách nói của bọn anh) sao cho kít hóa thành bơ! Tô son trát phấn hay bùa thì có nhiều cách em ạ, cái đấy thì em biết vậy thôi, chứ không nên học hỏi làm gì vì nó thuộc hàng bàng môn tả đạo, anh khuyên thật lòng đấy! Mà có học nhiều khi cũng không được vì nó cũng cần có năng khiếu nữa cơ và còn phải luyện thêm "mặt dầy công phu". Cố học có thể bị tẩu hỏa nhập ma thì toi.


Biết tin em bị đuổi việc về nước, thực sự anh thấy bùi ngùi xót xa. Hơn ai hết anh hiểu kiếm được công ăn việc làm để nuôi vợ nuôi con thời buổi này vô cùng khó khăn. Hình ảnh em phải liên tục cúi đầu xin lỗi nơi đất khách quê người cũng gây cho anh cảm xúc khó tả! Nhớ lại ngày xưa có mấy thằng từ Peking qua làm công trình, mặc dù nó vừa ngu vừa bố láo, anh ghét cay ghét đắng, khi nó phạm sai lầm nghiêm trọng và bị đuổi việc về nước khóc hu hu, tuy rằng anh ghét thì ghét nhưng anh "trảm" nó vì công việc thôi, thế mà anh cũng vẫn cảm thấy bất nhẫn vô cùng!
Phận làm công thật là khốn nạn em nhỉ?

Em nói em xấu hổ khi đã phát ngôn như vậy, hãy quên ngay ý nghĩ đó đi, không việc gì phải xấu hổ cả khi em nói đúng. Những người coi em như con chốt thí đuổi em, mới phải xấu hổ. Anh tin rằng người dân Việt Nam không còn bực tức câu nói đó và thù ghét em đâu!
Thôi, anh chúc em sớm tìm được việc để lo cho gia đình nhé. Nhớ chọn đúng nghề! Còn nếu vẫn phải làm việc kiểu này thì anh chỉ em vài đường cơ bản, hãy nhớ nằm lòng nhé:
Chiêu số một: Khóa Khẩu Xực Xu hay còn gọi là Ngậm Miệng Ăn Tiền. (Không được nhớ lộn là Xực Xỉ nhé em)
Chiêu số hai: Túc Quyền Thủ Cước. Tay mà lại dùng để đá, chân để đấm thì bố ai biết đường nào Chu nhỉ!
Chiếu số ba: Tam Quốc Dẫn Lộ. Tức là nói vòng vo tam quốc huề tiền ấy mà!

À, trước tiên muốn luyện ba chiêu trên thì em phải cắt cái ruột ngựa của em đi đã nhé. Giống như luyện "Quỳ Hoa Bảo Điển" phải xẻo "tờ rim" ấy mà.

Anh của em.

Gã Đầu Bạc
Sài Gòn 29/04/2016

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

NHỮNG THÁNG NGÀY CẰN CỖI I

DẪN NHẬP

Khoảng cuối tháng 5/1975, bố lên đường vào trại tập trung chưa biết sống chết thế nào, thì tháng 7 thằng Út ra đời. Một nách 7 đứa con, giờ thật sự cũng không hiểu nổi làm cách nào mẹ tôi xoay sở được. Vì tôi còn nhớ hồi nhỏ mỗi lần điền vào Thông Tín Bạ, tại phần nghề nghiệp của mẹ tôi ghi là "nội trợ", thời bấy giờ đa số phụ nữ ở thành thị miền Nam đều như thế cả (dường như sau năm 1975 ít thấy ai còn ghi như vậy). Tức là mẹ tôi chỉ biết ở nhà trông nom nhà cửa, chợ búa, con cái, ấy vậy mà nguyên một khoảng thời gian dài sau này bà cũng đã phải từ bỏ lối sống "tiểu tư sản" và "hòa nhập" với cuộc sống mới cùng với "khí thế cách mạng", có nghĩa là phải lăn ra kiếm sống bằng đủ các loại gọi là "nghề".
Tôi cũng phải tham gia "lao động" nhiều loại hình khác nhau, đói thì đầu gối phải bò mà lại.
Khi bố từ trại tù cải tạo trở về, cũng phải xoay sở đủ kiểu để mà tồn tại. Được cái là 7 anh em nhà tôi vẫn được "quán triệt" là phải cố gắng để học, mặc dù thực sự lúc bấy giờ xã hội thay đổi đảo điên, người không biết ngay cả ký tên vẫn làm chủ tịch, trưởng công an phường tôi ở dường như chưa tốt nghiệp... tiểu học, thành phần bần cố nông được vinh danh, còn loại trí thức thì dường như có câu khẩu hiệu gì đó "trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ" không được coi trọng, nên mọi người ai ai cũng nói câu: học cho lắm tắm cũng ở truồng!


Chợ búa thời bao cấp - Ảnh: Internet

NGHÊ CỦA MẸ

Bán Chợ Trời

Hình như ngoài bắc gọi nghề này là "phe" hay sao đấy. Không biết tự lúc nào gần Lăng Cha Cả, vị trí trường Nguyễn Thanh Tuyền bây giờ, hình thành khu chợ trời này. Một thời gian mẹ tôi cũng tham gia vào đội ngũ bán chợ trời, tức là ra đứng ngoài đó thấy ai mang đồ gì ra bán (radio, casette...đủ các thứ) thì trả giá, mua được thì lại cầm đi đứng lòng vòng có ai hòi thì bán. Lúc này mẹ còn mang bầu, đi bán cùng thì có bà Hảo gần nhà, bà này là dân lao động thứ thiệt nên dễ thích nghi hơn. Cũng tại chuyện này mà tôi phải đánh lộn với mấy đứa con của bà Hảo! Chuyện thật là lãng xẹt, một buổi chiều, khi mẹ tôi đang đi về nhà ngang qua nhà bà Hảo, con nhỏ Trinh (con này có hỗn danh là... Trinh ghẻ) tự nhiên nguýt mẹ tôi và lẩm bẩm "có bầu còn bày đặt đi bán chợ trời!", vậy là phải tát cho nó một phát, dĩ nhiên sau đó anh em nó thằng Toàn "mủ", thằng Quốc "ba tầu" kéo ra cả lũ, hồi đó tuy yếu hơn nhưng được cái tôi rất lì đòn, mặt khác học thêm chiêu của Lý Tiểu Long trong phim Tinh Võ Môn "cẩu xực thần công" nên cũng tả xung hữu đột mãnh liệt, chỉ ngại lây ghẻ của con Trinh và thằng Quốc mà thôi! Trong trận chiến mấy cái mụt ghẻ của hai đứa đó cũng toét tòe loe ra mới càng kinh chứ!

Nhân Viên Soát Vé

Lúc bấy giờ nhờ quen bác Giao - nhà văn Thái Bạch - trước đây là dân "nằm vùng", có tí chức quyền trên Sở TTVH, nên xin cho mẹ vào cái chân soát vé nhân dịp đoàn Xiếc Trung Ương vào biểu diễn ở vườn Tao Đàn. Công việc này cũng nhàn hạ, dường như là được 1đ/ tối (tương đương lương giáo viên!), có điều là cũng chỉ làm được một thời gian ngắn, khi đoàn xiếc rút thì cũng thôi. Thời gian này tụi tôi được đi coi xiếc thoải mái!!!

Bán Cá

Nhắc đến chuyện này vẫn chết cười, vì nó thể hiện "năng khiếu kinh doanh" mà mẹ thừa hưởng của ông ngoại! Cái mà người ta thường gọi là "gian buôn bán" thì mẹ tôi và bá Đai (chị của mẹ) dường như bằng không, giống như ông ngoại vậy! Nghe kể ngày xưa ông rất thích đi buôn - mà buôn to cơ - buôn lần nào sạt nghiệp lần đó!
Số là có một ông làm cũng to to, từ ngoài Bắc vào Sài Gòn tìm gặp "người xưa" là bá Đai, thấy tình cảnh "nàng" khổ quá nên mới giúp bằng cách viết giấy giới thiệu cho mua cá ở nhà máy đông lạnh ngay đầu đường Phạm Văn Hai bây giờ. Cá thu cá ngừ gì đó xuất khẩu nên con nào con nấy to đùng!
Mua giá quốc doanh (rẻ như cho) - hàng hiếm (ngoài chợ lúc đó chỉ có cá xô, tên gọi của các loài cá mục...không tên, hồi xưa chỉ làm thức ăn gia súc) - điều kiện cần và đủ để kinh doanh thế là quá tốt! Ấy vậy mà hai bà bán từ sáng tới chiều...không ma nào mua, cuối cùng sang cho người bán cá chuyên nghiệp ngồi cạnh, người ta bán nhấp nháy hết veo!

Giáo Viên

Trường Nhân Chủ (nay là trường Nguyễn Thái Bình), bố tôi là một trong những người sáng lập ra ngôi trường tư này, lúc nhộm nhoạm bấy giờ ban giám hiệu cũ vẫn còn, vì vậy nên họ có thể nhận mẹ tôi vào dễ dàng nhằm giúp mẹ tôi có một công việc ổn định để sinh sống.
Đúng là cái duyên, vì bố tôi gốc là giáo chức, giờ nghề giáo cũng lại chọn mẹ tôi. Mặc dù giáo viên thời đó (và kéo dài mãi đến gần đây) có đồng lương vô cùng bèo bọt, (như đã nói lương nghề này ngang ngửa với lương...soát vé!). Tuy nhiên, với lối tư duy còn sót lại từ thời trước, mẹ tôi đã hành nghề với tất cả lương tâm, với tất cả sự tận tụy của mình cho đến khi bà về hưu.

NGHÊ CỦA BỐ

Trước năm 1975, tôi nhớ rằng trong "các vi dít" của ông ghi: dạy học, bố tôi có vẻ thích sự đơn giản, chứ gọi đúng thời đó là Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp. Thời đó nếu dạy tiểu học gọi là giáo viên, còn dạy trung học gọi là giáo sư. Giáo sư ở đây không có nghĩa như một chức danh hay học hàm, không có nghĩa là professor, chỉ là cách gọi nghề nghệp thôi - không có gì sai cả. Quan điểm của tôi gọi như vậy toát lên sự tôn trọng của xã hội hơn.
Sau khi trở về từ trại tù cải tạo, bố cũng phải thích ứng với cuộc sống mới, tôi nghĩ có phần khó khăn hơn, vì mọi người dù sao cũng làm quen được mấy năm rồi, còn ông hoàn toàn coi như không biết gì về cuộc sống bên ngoài từ tháng 7-1975.

Phụ hồ

Cụ thể cũng không nhớ rõ ông làm được bao lâu, chắc cũng 1 - 2 tuần gì thôi, vì sức khỏe không thể đáp ứng nổi nghề này, mọi người nên nhớ là làm phụ hồ cực hơn thợ hồ nhiều, sức khỏe yếu và không quen thì trộn chừng 1 mẻ hồ là muốn xụi luôn. Cái đập vào mắt tôi là hình ảnh ông mặc quần áo lao động lóc cóc đi làm, khác hẳn ngày xưa đi dạy học đóng bộ giày tây quần áo chỉn chu.

Ngư phủ


Chủ trương nhà cầm quyền lúc bấy giờ là lùa các thành phần như gia đình tôi đi kinh tế mới hoặc hồi hương, gia đình tôi thì hương làm gì có mà hồi! Nên CA Phường kêu bố tôi ra và hăm he các kiểu, ông phải về dưới Long Đất (Bà Rịa) có người bà con xa ở đó để tá túc một thời gian, cũng gọi là đi hồi hương, nhằm né cho cả nhà khỏi bị lùa đi kinh tế mới. Có lần ông về mang theo thịt cá sâu phơi khô, không biết thịt cá sấu tươi như thế nào chứ khô thì ăn cứng như ăn củi! Ông anh họ kể con cá sấu này (không biết có phịa không, ông này cũng thuộc dạng Long Bình tiêu cục) khi mổ bụng nó có thấy cả vòng vàng tức là nó xơi người rồi!
Thằng cha Ba Đấu (tay trưởng công an) sau này nghe nói cũng đi tù vì biến chất hủ hóa gì gì đó.

Nghề cũ


Bố tôi ở Long Đất một thời gian mấy tháng thì vừa may ở Sở GD có đợt tuyển giáo viên cấp 2, ông bèn xin về thế là trở thành "cán bộ công nhân viên nhà nước". Mặc dù theo ông nói: ngày xưa dạy lớp lớn quen rồi, dạy lớp nhỏ khó lắm, nhưng cũng phải chấp nhận.
Đầu tiên dạy tuốt trên trường Hưng Việt ở Bình Thới. Những địa danh như Bình Thới, Bàu Cát bây giờ thấy bình thường chứ hồi đó là thấy xa xôi thăm thẳm chiều trôi.
Tôi cũng nghỉ phổ thông từ khi đang học lớp 11 ở trường Nguyễn Thượng Hiền để theo đuổi một con đường cứu khổ cứu nạn khác, cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp cà khổ được người quen mua giúp từ...Ba Xuyên, nó cũ tới nỗi trên thị trường hoàn toàn không thấy nhãn hiệu của bộ giò dĩa, bộ đùm, líp của chiếc xe, chắc đúng nghĩa từ thời Bảo Đại luôn.
Mỗi sáng ông già chở tôi từ nhà lên trường TH Kỹ Thuật gần đài phát thanh, rồi lại từ đó phi ra tuốt quận 11.
Sau, tôi thấy vậy cực cho ông già quá, nên quyết định đi xe buýt. Nói vậy để ông già yên tâm, chứ đi xe buýt chỉ đi được lúc sáng sớm ra bến gốc ở Lăng Cha Cả là đi được thôi, còn chuyến về thì tôi phải đi bộ từ trường tới đường Trần Quốc Thảo bây giờ đón, và hiếm khi nào đón được xe vì đông khủng khiếp, nên thường là sử dụng xe lô ca chân tà tà cỡ 7g tối cũng về tới nhà.

Nghề chạy mánh


Song song thời gian đó thì bố tôi và nhiều nhiều người bạn của bố còn làm thêm một cái nghề lạ lùng mới xuất hiện: chạy mánh.
Do nền kinh tế được điều hành một cách quái dị, nên nhà nhà chạy mánh, người người chạy mánh. Như thế này nhé: thường thì một nơi nào đó (hãng xưởng, xí nghiệp, tổ hợp v...v...) cần mua một số mặt hàng - tôi còn nhớ lúc đó thường là thuốc tẩy đường, benzoat, xút....hằm bà lằng - sẽ đưa ra một cái list, thế là người này đưa người kia vòng vòng chạy nguồn hàng, nếu ráp được chỗ bán (lại cũng phải ráp vòng vòng ngược lại) mọi chuyện êm xuôi thành công thì kiếm được một số tiền, nhưng thường là...không thành công!

Còn một số nghề nữa cả bố, cả mẹ, cả tôi, cả nhà bu vào làm tôi sẽ viết trong NHỮNG THÁNG NGÀY CẰN CỖI II.

Viết theo yêu cầu của các em. Kỷ niệm 41 năm!!!
Xong ngày 28/4/2016 tại Rồng Việt Công Ty.

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

HOA TRÌ CÔNG PHU - CÔNG PHU PHUN NƯỚC BỌT

Trên giang hồ mấy ngày nay ầm ĩ câu chuyện trận khẩu chiến giữa một Lục Y Quái Khách và một Vô Ảnh Nữ Lang, trận khẩu chiến còn đang giằng co thì Lục Y Quái Khách xuất kỳ bất ý tung ám dịch, mặc dù Vô Ảnh Nữ Lang không bị thương nhưng cũng một phen tức giận và ghê tởm vì không thể ngờ lại có kẻ sử dụng "hoa trì công phu" này với mình (công phu phun nước bọt). Do chiêu thức này hơi hèn hạ cho nên phàm các bậc anh hùng danh môn chính phái hầu như không sử dụng, nhất là nam nhi đại trượng phu lại càng không sử dụng chiêu thức này với nữ lưu, nay Lục Y Quái Khách kia cũng cho mình là danh môn chính phái lại sử dụng chiêu này bảo sao Vô Ảnh Nữ Lang không khỏi kinh ngạc.
Lục Y Quái Khách sau khi tung chiêu thấy Vô Ảnh Nữ Lang không hề hấn gì có vẻ hổ thẹn, dùng thuật phi hành dông mất dạng.
Mấy ngày sau khi hoàn hồn thì Vô Ảnh Nữ Lang có cho biết: công phu của gã tuy không gây sát thương nhưng cực kỳ hôi hám, ta vốn sạch sẽ nên thực tình chịu không nổi, suýt nữa thì ngất tại chỗ.
Một số cao thủ của các đại môn phái kiến văn uyên bác lấy làm ngạc nhiên: công phu này đã thất truyền từ lâu, nay sao bỗng dưng lại có kẻ biết sử dụng. Xem ra chuyến này giang hồ dậy sóng rồi đây!

Lục y hán tử và "hoa trì công phu"
Nước bọt còn gọi là nước miếng hay còn gọi là nước dãi là một thứ nước tiết ra trong vòm miệng. Thứ nước này có dạng hơi nhờn nhờn, trong; thông thường khi nói nước dãi ta thấy có dạng trong, nhưng khi nói nước bọt là chắc chắn...có bọt. Chất này có nhiều lợi ích trong việc tiêu hóa, đồng thời cũng có tác dụng giữ cho răng bớt bị sâu.
Bình thường nước bọt cũng không nặng mùi lắm, nhưng nếu gặp đối tượng bị sâu răng hoặc một số chứng bệnh khác như "cam tẩu mã" chẳng hạn, nước bọt sẽ có một mùi kinh hoàng không thể tả.

Một số loài vật cũng có nước bọt như con người, nhưng có thêm nhiều đăc tính công dụng khác nhau, chẳng hạn nước bọt của loài nhện chích vào con mồi có tác dụng gây tê liệt rồi gây... nhão, tức là con mồi sẽ bị mềm nhũn ra và biến thành chất sền sệt như... rựa mận cho nhện ta một bữa khoái khẩu ngon lành!
Nước bọt của chim yến lại là một thứ vật liệu xây dựng để làm tổ và cũng cực bổ được dùng làm món ăn bồi dưỡng cơ thể cho con người.
Loài mèo thì nước bọt lại có tác dụng như ... kháng sinh, khi con mèo bị thương nó liếm vài phát vào vết thương để sát trùng, đẩy nhanh quá trình hàn gắn vết thương.

Chuyện về phun nước bọt thì cũng có nhiều điển tích, giai thoại đồn đại trên giang hồ; tuy vậy theo bí kíp trong Tàng King Các trên đỉnh Trường Sơn có nói về 'Hoa trì công phu":


Thuở xưa ở nước Vệ Tào, có người bị bệnh cam tẩu mã kết hợp sâu răng kinh niên, dân trong làng kinh tởm mùi hôi hám bốc ra từ cái lỗ miệng chưa hề biết vệ sinh là gì của hắn (chắc từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ). Mỗi lần hắn xuất hiện ở đâu người ta không kìm nổi phải phun một bãi nước bọt do cảm thấy nhợn nhợn buồn nôn chứ cũng không hẳn là khinh khi. Nhưng hắn rất lấy làm tức tối vì chuyện này, nỗi tức tối âm ỉ lâu ngày lớn dần lớn dần, cho đến một hôm hắn nhìn thấy con ruồi đang bâu vào mụt ghẻ trên ống chân, tự nhiên hắn buồn miệng phun nước bọt vào con ruồi, dĩ nhiên là không thể trúng, ai ngờ con ruồi bay lên được rồi nhưng lại rớt xuống chết đứ đừ do mùi nước bọt của hắn quá kinh khủng. Hắn ngạc nhiên bèn thử phun lung tung: phun xuống ao cá - cá bơi ngửa hàng loạt; trúng gà - gà toi tại chỗ. Hắn rất lấy làm thích thú với công phu của mình, cho đến khi chứng bệnh cam tẩu mã của hắn đã đến thời kỳ chót thì nước bọt của hắn đã nâng thêm một tầng công lực mới có thể sát hại cả các loại gia súc lớn như trâu bò dê chó! Từ đó hắn không coi ai ra gì, thù tức với ai thế nào thì trong gia đình đó cũng có con trâu con chó lăn ra chết vì bị hắn phun trúng, danh tiếng hắn lừng lẫy trong đám hắc đạo đến nỗi một số tên từ xa cũng lần mò tìm đến mong hắn truyền cho thứ công phu này.

Cả làng hoang mang, nhà nhà cửa đóng then cài, con đường làng trở nên vắng lặng không một bóng người, người nào có việc cần phải ra ngoài đều nai nịt gọn ghẽ, chân tay mặt mũi trùm che kín mít! Mọi người đang không biết làm thế nào, vừa may xuất hiện một cao nhân phương xa ghé ngang qua làng, thấy khung cảnh không khí trong làng khác lạ mới hỏi thăm, sau khi hiểu đầu đuôi câu chuyện vị cao nhân cười lớn và cho biết: con vật ta dẫn theo đây có thể giúp các vị để trừng trị tên này. Nói rồi vị cao nhân yêu cầu mọi người đưa ông ta đến ngôi nhà của tên quái dị kia.

Nãy giờ mọi người mới để ý vị cao nhân dắt theo một con vật, hình dáng quái dị chưa từng thấy ở đất nước Vệ Tào, đó là loài lạc đà Alpaca tuốt luốt tận xứ Peru xa xôi.


Lạc đà Alcapa có thể phun nước miếng vào con người 
Tên cam tẩu mã nằm khểnh trước sân đang dậy công phu cho độ 4, 5 tên lâu la bỗng thấy một con vật lạ thường đi tới, hắn bèn nhổm dậy phun nước bọt vào con Alpaca, tưởng rằng như mọi khi con vật sẽ trở thành mồi nhậu cho chúng, không ngờ con Alpaca không những chẳng hề hấn gì lại còn phản đòn bằng chiêu "gậy ông đập lưng ông", từ miệng con vật cũng bắn ra một bãi nước bọt khổng lồ bao trùm cả đám du thủ du thực. Thì ra nước bọt của con Alpaca còn lợi hại gấp nhiều lần về lực phun lẫn độ hôi thối, cả đám chịu không nổi ngã lăn ra đất ngất trên cành quất.

Người trong làng già trẻ lớn bé hết thảy đều mừng rỡ vô cùng, và cầu xin vị cao nhân nọ mang cả đám này về đất nước của ông để chịu sự khắc chế của con Alcapa.

Từ đó, không ai nghe tin tức gì của tên quái dị này nữa, ai ngờ hôm nay môn công phu những tưởng đã thất truyền lại đột nhiên làm dậy sóng giang hồ.

Viết xong tại Tịch Tình Cốc
Lãng Nhân Khách (Gã khách lãng xẹt)