Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

LÝ THÚ "CÂY BẸO" CHỢ NỔI

Xuất phát từ bến Ninh Kiều - một địa danh nổi tiếng của Tây Đô - từ tờ mờ sáng, bến đò chưa rõ mặt người nhưng đã nhộn nhịp tấp nập những tiếng mời chào í ới của các công ty tổ chức những chuyến tàu đưa khách tham quan miền sông nước.
Đoạn hành trình đến Chợ Nổi Cái Răng trên sông Cần Thơ khoảng 30 phút, cô hướng dẫn viên duyên dáng trong chiếc áo bà ba liên tục giới thiệu những địa danh mà con tàu lướt qua. Trong bóng đêm chưa tan hết, nhũng đường cong của chiếc cầu Quang Trung vắt ngang sông được chiếu sáng khá ấn tượng. Sông Cần Thơ là một nhánh sông của sông Hậu chảy qua thành phố Cần Thơ, khi qua quận Cái Răng sẽ gọi là sông Cái Răng.

Mờ mờ phía xa xa kia chúng tôi thấy một con tàu đặc chủng dập dềnh trên sóng nước do Hà Lan viện trợ để thu gom và xử lý rác rến trên dòng sông, góp phần giữ cho dòng sông sạch đẹp trước ý thức siêu kém về xả rác bừa bãi của dân ta!

Chợ Nổi Cái Răng là khu chợ nổi lớn nhất ở miền Tây, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Nay hầu như chỉ hoạt động để bảo tồn một hình thức họp chợ đặc biệt của vùng sông nước miền Tây Nam bộ và bán sỉ là chính. Vài khu chợ nổi như Chợ Nổi Phụng Hiệp...đã biến mất và dần chìm vào hoài niệm.

Cũng qua lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên mà tôi biết đến hình thức thông tin buôn bán lý thú của khách thương hồ: "Cây Bẹo".
Mỗi chiếc ghe đều cắm một cây tre cao, nhìn vào những vật phẩm trên cây tre ta sẽ biết được ghe đó bán mặt hàng gì, bán thế nào. Trường hợp "treo gì bán nấy: ghe bán xoài sẽ treo quả xoài, bán mít sẽ treo quả mít... Treo một quả là bán lẻ, treo nhiều quả là bán sỉ. Còn nếu thấy phía trên treo một quả, phía dưới treo nhiều quả thì ghe đó vừa bán sỉ vừa bán lẻ.

Những chiếc ghe và "cây bẹo" đặc trưng của chợ nổi miền Tây Nam Bộ

Có khi ta bắt gặp trên cây bẹo có một chiếc... tà lỏn phấp phới trong nắng mai, xin đừng nhào vô hỏi mua tà lỏn, vì coi vậy mà không phải vậy, đây là trường hợp "treo mà không bán". Chỉ đơn giản là chủ ghe giặt giũ rồi phơi phóng thôi!
Lại có khi "treo thứ này bán thứ khác"! Đó là khi ta thấy treo một tàu lá dừa, nhưng ghe đó hoàn toàn không bán chác thứ gì liên quan đến dừa, mà là bán... nguyên cái ghe! Thật là lý thú phải không?

Treo lá dừa trên cây bẹo nghĩa là bán...nguyên chiếc ghe

Các ghe bán đồ ăn thức uống thì không treo gì cả, đây là loại "không treo nhưng có bán". Thường đồ ăn sẽ là "bún riêu lắc", "hủ tíu lắc"... vừa ăn vừa lắc lư theo từng con sóng vỗ vào mạn ghe!

Ghe bán nước giải khát

"Bún riêu lắc"

Những chiếc ghe nhỏ bán lẻ cây trái cho những chiếc tàu chở du khách cũng không treo gì cả. Họ điều khiển chiếc ghe rất điêu luyện nhanh chóng cặp và móc vào bên hông tàu khách để bán hàng. Sau đó tháo móc và rời đi cũng nhanh như lúc đến... hình thức buôn bán này có lẽ xưa kia không có mà chỉ xuất hiện sau này để phục vụ khách du lịch chăng (?).

Ngược xuôi trên dòng nước ta bắt gặp những bóng hình cả đàn ông lẫn đàn bà đang ra sức chống chèo trên chiếc ghe cỏn con, có ghe chèo tay nhưng cũng có ghe gắn máy "đuôi tôm", dòng sông rộng lớn làm tăng thêm cảm giác nhọc nhằn và mỏng manh.
Một cư dân địa phương sinh ra và lớn lên ở đây cho biết: với khách du lịch có vẻ mọi thứ trông thật lý thú, chứ riêng với cô thì đó là tuổi thơ cơ cực nhọc nhằn với nỗi ám ảnh sợ hãi trên chiếc ghe bé tẹo như có thể chìm xuống dòng sông sâu bất cứ lúc nào...




Một vài thứ của quá khứ sẽ mất đi trong tiến trình phát triển của xã hội, nhiều khi có nuối tiếc cũng phải phải chấp nhận?!

11/2024