Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

CÂU ĐỐI CỦA BỐ VÀ NƯỚC VIỆT BUỒN

Đã mấy chục năm trôi qua, ký ức dần nhạt nhòa vẫn đọng lại hình ảnh âm thanh của những đêm mưa, ta lơ mơ chìm vào trong giấc ngủ tuổi thơ giữa đầy ắp tình yêu thương, trong tiếng ngâm của bố ru ta hòa lẫn tiếng mưa đêm rơi lộp bộp trên mái lá ở căn nhà vùng ngoại ô Sài Gòn.

Đó có thể là những câu ca dao buồn man mác:

Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ

Hay những câu thơ đầy nỗi niềm khắc khoải:

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không

Hoặc có khi là những câu nhạc Phạm Duy:

Mẹ Việt Nam không son không phấn
Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam không quen nhung gấm
Mẹ Việt Nam quen áo nâu sồng

Bố ta (thứ hai từ trái sang) và các bạn - những "sĩ phu Bắc Hà" -
tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1964

Những lời thơ, câu nhạc ấy cứ thế thẩm thấu sâu dần trong ta theo năm tháng và có lẽ cũng góp phần tạo nên tính cách ta khi khôn lớn.

Ta cũng bị ảnh hưởng từ những buổi chuyện trò của bố ta cùng các bạn, nhớ lại những chú bác bạn bè của bố ta xưa, bấy giờ đa số là "những chàng trai nước Việt" (1) lưu lạc phương Nam mang theo khí chất "sĩ phu Bắc Hà", cùng nuôi "chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao" (2).

Bố ta từng lọ mọ gửi gắm ước vọng vào câu đối đầy khẩu khí, tặng cho thằng con treo ở công ty:

“Rồng Việt Dựng Xây Non Nước Việt
Người Nam Tô Điểm Đất Trời Nam

Đôi câu đối tại văn phòng công ty (năm 2011)

Than ôi, chưa làm được điều gì to lớn để thỏa chí bình sinh “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” thì ta đã kịp mỏi gối chồn chân, nước Việt vẫn buồn, còn bố ta thì đã về cõi thiên thu!

Sài Gòn, Tuần lễ thứ 3 bố mất, 10/07/2022

(1): "Tuấn chàng trai nước Việt" là một tác phẩm của Nguyễn Vỹ
(2): Hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch


Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

LỜI CẢM TẠ VÀ KHÓC TIỄN ĐƯA BỐ

Đầu tiên, chúng tôi xin được nói lời cảm tạ đến tất cả các ban ngành đoàn thể cơ quan trường học, thân bằng quyến thuộc, các gia đình sui gia, hàng xóm láng giềng đã tận tình tận lực giúp đỡ hỗ trợ thăm viếng chia buồn và tiễn đưa cụ ông Nguyễn Đăng Dũng là chồng; cha; ông  chúng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng, tấm chân tình ấy chúng tôi chỉ biết xin khắc cốt ghi tâm.
Cảm ơn sư thầy chùa Thái Hòa, cảm ơn đơn vị mai táng An Lạc, cảm ơn Sala Garden, đã tận tâm thực hiện công việc an táng một cách suông sẻ tốt đẹp.


Thế là bố đã xa chúng con thật rồi!

Từ khi bố bắt đầu có dấu hiệu rõ rệt của tuổi già theo quy luật của tạo hóa thì chúng con đã chuẩn bị tinh thần vì sớm muộn gì thì cũng sẽ đến ngày phải vĩnh biệt bố. Rồi buổi trưa định mệnh ấy cũng đến, nhưng chúng con vẫn không thể không bàng hoàng hẫng hụt.

Bố mất ở tuổi 87, xét ra thì cũng là phúc phận lớn của chúng con, vì cũng hiếm có chuyện con cái đã trưởng thành thậm chí đã đến tuổi về hưu mà vẫn còn bố là chỗ dựa tinh thần, vẫn còn bố để có thể trao đổi nhiều vấn đề Đông Tây Kim Cổ...Thực tế là các em con dù có là Thạc sĩ Tiến sĩ, vẫn nhiều khi có điều này việc nọ cần bố cắt nghĩa, giải thích bằng khối lượng kiến thức có thể nói là rất rộng của bố.

Cuộc đời lận đận vất vả của bố cũng nổi trôi khóc cười theo mệnh nước, cuối cùng cũng khép lại trong sự thương tiếc vô hạn của mọi người, từ trong họ tộc nội ngoại sui gia hai bên, cho đến hàng xóm láng giềng và bao nhiêu thế hệ học sinh của bố.

Theo lời bố kể, với mong muốn tột độ của ông nội, bố đã cố gắng vượt qua bao nhiêu biến cố khó khăn thời ly loạn, để học hành đỗ đạt, để rồi truyền thống đó đã được tiếp tục phát huy tốt đẹp hơn. Chúng con biết bố cũng đã rất hãnh diện vì cả bảy đứa con thì cả bảy đều tốt nghiệp đại học và trên đại học bằng chính năng lực thật sự của mình cho dù có những thời điểm khốn khó, áo không đủ mặc cơm không đủ no.

Vĩnh biệt bố! chúng con hứa sẽ tiếp tục nuôi dạy các con các cháu theo tinh thần đó. Các cháu của bố thì có đứa đã có mảnh bằng bác sĩ ở tận Úc châu. Chúng con vẫn đùa với bố rằng: “chủ tịch nước làm sao mà có tới bốn bác sĩ gồm một con rể, ba đứa cháu chăm sóc tận răng, chắc thua xa ông "thầy Giôn" (biệt danh mà bọn học sinh đặt cho ông giáo Dũng)."

Vĩnh biệt bố! Chúng con chỉ có thể tự an ủi là bố đã trả xong nợ trần một cách nhẹ nhàng thanh thản. Bố vẵn thường cảm động mếu máo khi nói với một ai đó: “chúng nó từ con đến dâu đến rể không để cho tôi thiếu một thứ gì”. Nhưng cho dù là vậy, cũng làm sao đáp đền được công sinh thành dưỡng dục cao dầy như núi như non.

Vĩnh biệt bố! Nhìn hàng trăm vòng hoa xếp dài từ trong nhà ra tới xóm ngõ, nhìn láng giềng hai bên quần áo chỉnh tề đứng chờ để chào tiễn biệt bố lần cuối, dù bố chỉ là một nhà giáo không quyền cao chức trọng, chúng con tuy đau buồn nhưng cũng hạnh phúc và hãnh diện vì đã sinh ra làm con của bố. Bố không để lại vật chất tiền muôn bạc vạn, nhưng bố đã cho chúng con thấy giá trị khi sống một cuộc đời tử tế nhân nghĩa quang minh chính đại.


Vĩnh biệt bố! Bố là người cực kỳ nặng lòng chu đáo một cách chân tình với dòng tộc họ hàng, với những gia đình thông gia, với bạn bè, với con cháu, với học trò. Chẳng thế mà các chú bác các anh các em các cháu khắp nơi đã tất tả tìm đến để tiễn đưa bố lần cuối. Có những người đến với gương mặt lộ rõ niềm đau thương vì quá đột ngột, thất thần vì nhận tin trễ, sợ không kịp viếng bố... Tình cảm ấy nào ai có thể mua được dù bằng tiền muôn bạc vạn!

Vĩnh biệt bố! Giờ con sẽ không còn được bố chặn lại hỏi nhỏ: “mày còn tiền uống cà phê không con, bố cho mày tiền đây”, rồi dúi tiền vào túi con. Và khi con kể cho mọi người một cách hài hước rằng: “Cả nước này không biết có cha nội giám đốc nào được bố cho 10 triệu uống cà phê như tui không”. Ai nấy đều tỏ vẻ xúc động và nói: "Bạn thiệt là có phước vì ở tuổi U60 -70 làm gì có ai được như vậy."

Bố ơi số tiền mà con nhận cho bố vui đó không thể nào định lượng nó nặng nó lớn tới mức nào, và giờ đây nó sẽ mãi trong tâm tưởng con cho đến suốt cuộc đời! 

Vĩnh biệt bố! Chúng con hứa sẽ tiếp tục yêu thương đùm bọc lẫn nhau như vẫn từng, bố yên lòng thanh thản ra đi nhé. Hình ảnh bố và những kỷ niệm về bố sẽ mãi còn trong lòng chúng con!



* Sài Gòn, 24/06/2022.

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

MỘT CHUYẾN VI HÀNH CUỐI NĂM

LỄ HỘI ĐÈN HOA MỪNG XUÂN CON CỌP CHỮ NHÂM.

Nhân dịp "ông anh bạn" "anh của bạn" là họa sĩ Phạm Công Tâm có tranh treo tại Nhà Văn Hóa Quận 5, bèn dụ một thằng bạn chở đi làm một chuyến vi hành cuối năm xem người Hoa ở quận 5 họ đón Xuân ra sao. Cũng chắc dễ có đến hơn 20 năm chưa đi vào khu Chợ Lớn những ngày sát Tết như thế này.

Có lẽ là những hoạt động đón Tết Nguyên Đán ở quận 5 được tổ chức xôm tụ, rôm rả hơn tất cả các quận huyện khác. Các các hoạt động thật là phong phú: phòng triển lãm tranh, bàn thư pháp chữ Hán hẳn hoi (miễn phí), sân khấu văn nghệ sôi nổi, múa Lân có hẳn 5 dội Lân.

Được biết CLB Mỹ Thuật Quận 5 là CLB có hoạt động mạnh nhất nước, tập trung nhiều tên tuổi họa sĩ tranh thủy mặc, thư pháp gia...

Cảm nhận của tôi là cộng đồng người Hoa họ bảo tồn và khuếch trương văn hóa của họ tốt hơn ta nhiều. Ta hay gọi Tết Cổ Truyền chứ tôi nghĩ Tết này là...truyền từ hồi cổ xưa bởi người Trung Quốc, là Tết Tàu, chứ ta chắc chả có khỉ môc gì, hoặc giả cũng có thể xa xưa Tết Việt chắc kiểu như Tết Lào, Tết Thái...mà mất tiêu luôn do bị đô hộ cả ngàn năm, chưa nói tiếng Tàu là may lắm rồi.

Cũng được biết họ tổ chức Tết Nguyên Tiêu (rằm Tháng Giêng) còm rầm rộ quy mô hơn nữa, têt này người Việt cũng xài mà đổi tên thành Tết Thượng Nguyên, kêu bằng tiêp thu có xào nấu!






Không khí thật đúng kiểu "Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời...", âm nhạc rộn rã, trẻ em chơi đùa, Lân, có hẳn năm con Lân tung hoành.
Có thằng bạn già ngồi trầm tư ngắm Xuân mắt nhìn xa xăm nhớ người...(thiệt ra không biết nó nhớ người hay hết tiền).


Thư pháp gia Trương Lộ đang viết chữ Nguyễn Nguyễn, ông cho rằng muốn thử thách tài nghệ của ông để ông phải viết hai chữ Nguyễn khác nhau, chứ làm gì có ai lại có tên ky quái như thề!
Sau đó thấy thằng bạn buồn vì... hết tiền, ông tặng nó chữ Phú, là tên của nó. Xin ông viết hẳn chữ Quốc Phú, ông không đồng ý, ông lý giải rắng đòi giầu...nhất cả nước thì tham quá không nên!


Cách họ cho con (thế hệ sau) tiếp cận văn hóa cũng dễ thương, và người viết thư pháp cũng rất nhiệt tình mặc dù miễn phí nhe. Thấy rõ là có tổ chức bài bản qua việc đội ngũ viết thư pháp đều mâc đồng phục.




Và rồi thì "Thư Phét Gia" Quốc Phú cũng hào hứng nhảy vô chắc tính chuyển nghề ba ngày Xuân, gương mặt vui tươi không còn vẻ hết tiền như cách đó ít phút! Hắn tiết lộ cũng đã xin ông Thư Pháp Gia chỉ cho viết chữ Đại Phú, nghe vậy tôi hoảng quá, cản nó ngay: Mày chớ có viết chữ đó, ổng là người Hoa không rành nói lái như tiếng Việt nên mới chỉ mày, chứ hai từ đó nói lái là không ổn đâu.😎😎😎.



Song song những hoat động bên ngoài, thì phía trong sảnh cũng diễn ra khai mạc triển lãm tranh, ông anh quen từ hơn chục năm nay là họa sĩ Phạm Công Tâm kỳ này có tham gia hai bức. Năm nay anh đã có nhiều gặt hái thành công mặc cho Cô Em Vi tung hoành, thứ nhất là tranh bán như tôm tươi, thứ hai là cuối năm xuất bản quyển sách tranh Xứ Ngàn Hoa Trái cũng đắt như tôm tươi...
Dĩ nhiên là có triển lãm thì phải có bay vô chụp hình lưu niệm với các họa sĩ gọi là chia vui chúc mừng.

Từ trái qua phải:
Thư...pháp gia bất đắc dĩ Quốc Phú - Kiếm chút xu xếp bút Nguyễn Nguyễn - Họa sĩ Phạm Công Tâm (hai bức tranh của anh treo hai bên phía sau trên cao) - Họa sĩ Trần Văn Hải chủ nhiệm CLB Mỹ Thuật Quận 5 - Họa sĩ Huỳnh Phong Phó CN CLB Mỹ Thuật Quận 5.




Với Họa sĩ Trần Văn Hải chủ nhiệm CLB Mỹ Thuật Quận 5 (hai bức tranh của anh treo hai bên phía sau trên cao).

Tạm biệt lễ hội hai thằng bạn già hớn hở ra về (không có đan tay nhe), hẹn đến rằm lại mò lên xem sao.

28 Tềt, 2022 Nhâm Dần.