Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

ĐI VỀ MIỀN KÝ ỨC

NGÀY ẤY XA XĂM

Số là có ông bạn nhà văn người Sài Gòn, chuyên viết về Sài Gòn, hôm vừa rồi bỗng nổi hứng bất tử dẫn đi quán cà phê…Lúa Sài Gòn.

Cảm giác đầu tiên bước vào quán thì cũng chưa có gì gọi là ấn tượng lắm, ngoại trừ khuôn viên rộng rãi thoáng mát rất phù hợp với tình trạng dịch giã như hiện nay.

Ngồi một lúc, ngắm nghía khung cảnh xung quanh, với những vật dụng cũ bày biện khắp quán, dần dà những ký ức xa xăm từ từ len lén chập choạng thức dậy…

Phần nền của quán, có một phần có lẽ dùng loại ván tháo ra từ một căn nhà nào đó, tương tự sàn căn gác gỗ của nhà tôi, cũng là kiểu xây dựng phổ biến hồi bấy giờ: tường gạch – gác gỗ, nhà nào có “gác suốt” coi như một điểm cộng. Nói đến sàn gỗ, thế hệ sau này chắc liên tưởng đến những sàn gỗ sang trọng đẹp đẽ, thật ra nó chỉ là những mảnh ván chiều rộng chừng 30 - 40 cm, được bào sơ sài, thường là còn cả vệt cưa, được ghép lại với nhau trên những thanh đà gỗ “năm mười”, chỗ vệt lưỡi cưa ấy sau một thời gian sử dụng cũng lì mặt, không còn gây cảm giác xóc dằm như lúc mới. Chỗ ghép có thể chạy âm dương hoặc chạy lưỡi gà, tuy nhiên lâu ngày, ván hở ra tới mức có thể nhìn thấy cả tầng dưới. Các miếng ván (thường là ván dầu đỏ) cũng cong vênh biến dạng tùm lum, chứ làm gì được phẳng phiu bóng láng như những sàn ốp gỗ thời bây giờ. Thi thoảng, người ta phải lấy cây khều những bụi bẩn từ các khe ván lên khi quét sàn. Lúc bấy giờ trong một xóm, nhà nào có “sàn đúc bê tông”, là thuộc loại "ngon cơm", như trong xóm tôi chỉ có một căn nhà đúc trên tổng số 28 căn!
Căn gác gỗ của gia đình tôi cho đến năm 1995 mới được “bê tông hóa”  thành loại "sàn đúc - lót gạch" ước mơ.
Quán bày nhiều bộ salon, góc này là bộ “salon thùng”, đặc trưng của kiểu salon này là cặp tay vịn cong vút cặp sát hai bên phần “thùng” ngồi và lưng tựa bọc bít bùng bằng ván liền mặt. Bộ này gồm 4 cái ghế đơn, và một bàn tròn nhỏ, thường được làm bằng loại gỗ gõ, lên nước bóng lộn. Hồi tưởng những ngày tót sang nhà thằng “Minh Móm” trong xóm đọc truyện tranh “Con Quỷ Truyền Kiếp”, ngồi chà mông trên bộ ghế kiểu này đây. Cần nói thêm là mấy loại truyện nhảm nhí này như truyện Chú Thoòng v…v… và hầu hết các loại truyện tranh thì “ông bô” cấm tiệt, ở nhà chỉ được phép mua và đọc các loại lành mạnh như Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa mà thôi…

Bộ salon thẻ là bộ salon thịnh hành nhất thời trước 1975, thường được đóng bằng cẩm lai, bộ này gồm hai ghế đơn và một băng dài, phần lưng và đáy ngồi là những thẻ gỗ cỡ chừng 3 phân, cách nhau khoảng 5cm, bên trên đặt các tấm nệm bọc vải bố hoặc simili, phía trên tấm nệm lưng thường có thêm một bao vải trắng trùm xuống khoảng 15 - 20cm viền đăng ten. Loại salon này thường chỉ khác nhau phần tay vịn và thanh tựa đầu, tay vịn có loại thẳng, có loại ưỡn xuống, loại thì cong lên, có loại tay cuốn cuộn tròn ở phần đâu. Kiểu dáng cái bàn cũng đủ loại, chân vuông chân tròn, vát xéo... tuy nhiên thường sẽ có mặt bàn là một khung gỗ hình chữ nhật hoặc có thể biến tấu hai cạnh dài hơi cong, ở giữa là tấm kính 5mm, phần dưới là một khung đồng dạng với mặt bàn nhưng bên trong là những nan gỗ. Khoảng năm 1973 gì đó nhà tôi có một bộ bằng gỗ cẩm lai. Bố tôi và các ông bạn thường ngồi đánh domino hoặc đánh cớ trên bộ này. Bộ này sau 1975 ít lâu thì cũng được hành quân đi "bộ đội" cùng với nhiều thứ khác trong nhà!


Tất nhiên phần không thể thiếu của một quán cà phê là âm nhạc, chủ quán đã kỳ công sưu tập nhiều bộ dàn Akai, đầu "câm", cassette, dường như tất cả đều còn chạy ngon lành cành đào chất ngất cành quất...


HƯƠNG VỊ TUỔI THƠ

Có những thứ đã tưởng chìm vào dĩ vãng, có những thứ ngỡ chỉ còn dư hương... Khi thấy tôi chăm chú nhìn vào những hũ bánh trên quầy, hũ thủy tinh đúng kiểu các tiệm tạp hóa trong các xóm ngõ ngày nào, chủ quán rất nhiệt tình xếp ra mời nếm một chút bánh men, bánh con sâu, bánh "sâm banh", bánh"tai heo", lại có cả ly đá bào xi rô. Ngậm cho miếng bánh men tan trong miệng, nhớ lúc khoác vai thằng "Toàn mủ" ra tiệm tạp hóa "bà già", cắn miếng bánh lỗ tai heo dòn dòn nhớ chiều nào chạy ra tiệm tạp hóa "bà mập" với thằng "Minh móm", cầm cái bánh "sâm banh" nhìn lớp đường cát phủ trên mặt bánh thấy hình ảnh "tiệm bà Nhâm", xúc miếng xi rô đá bào lặng nhớ cổng trường Tân Sơn Hòa xưa...


Quán còn bày biện nhiều thứ gợi nhớ một thời: cái "gạc măng giê" với chồng bát đĩa và chân đèn "huê kỳ" cũ, hộp sắt tây hiệu bánh LU, vài chiếc xe máy cũ, máy đánh chữ...

 

 



"Gạc Măng Giê" (Garde Manger) - vật dụng này giờ hầu như vắng bóng!




Bình lọc nước bằng sứ, nhà nào khá khá mới sắm được.




Những chiếc hộp bánh LU ngày ấy thường được tận dụng làm hộp đựng đồ lặt vặt



Sài Gòn, mùa Cô Vi II, 11/2021