Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

XUÂN CẢM

DẪN NHẬP

Cảm nhận về mùa xuân ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của đời người rất khác nhau. Thuở nhỏ, nghe người lớn than vãn mệt mỏi vì "tết nhất" mấy đứa trẻ nào biết được mà chỉ cảm thấy háo hức chờ mong. Dần dà, sự háo hức ấy mất dần theo thời gian, đến một lúc nào đó Xuân gợi nhiều suy tư: một chút bâng khuâng, một chút tiếc nuối, một chút bềnh bồng nỗi nhớ mông lung, có lẽ như mấy câu thơ trong bài Cảm Xuân của Trương Lỗi bên tàu thời Bắc Tống diễn tả:

Bất giác du du quá
Đông phong hoán cố niên
(Trương Lỗi)

Tìm đâu ngày tháng đã qua,
gió đông thổi mất đâu là năm xưa
(Dịch: Phan Lang)


Đời người như bóng câu qua cửa, ngoảnh lại đã 48 mùa xuân nhẹ lướt qua cái không gian trên hình, ngày ấy "cu Cao" còn chưa xuất hiện, ấy vậy mà giờ nó đã là một trung niên chuẩn bị bước vào phiên chợ chiều. Ngày ấy "lão phu" còn là một thiếu niên dĩ nhiên chỉ biết tết là được lì xì, là mặc quần áo mới, là được đi chơi, được đi chúc tết họ hàng, và lấy làm ngạc nhiên tại sao người lớn ai cũng than vãn mấy ngày trước đó nhưng rồi sau thời khắc giao thừa thì người người đều hớn hở vui tươi chúc tụng rôm rả.


"NGƯỢC THỜI GIAN TRỞ VỀ QUÁ KHỨ" VỚI TỪNG CÁI TẾT ĐUÔI SỐ 8


TẾT 1968:

Tết này là một cái tết gây ấn tượng khó phai, khi ấy nhà còn ở Phú Nhuận. Tết này thì nhiều nơi ở miền Nam là cháy nhà, là ly tán, là tang tóc. Ngay tại Sài Gòn, lần đầu tiên nhóc tì tôi được nghe tiếng "bích kích pháo", được thấy khu trục cơ (Skyraider) bay lượn gầm rú trên bầu trời, được thấy máy bay trực thăng phóng rốc kết.
Sau này mới biết là do ta đã ứng dụng câu "chiến trận chia gian, bất yếm trá ngụy" của tàu Hàn Phi Tử một cách triệt để thần sầu quỷ khốc, lừa cho địch mải ăn chơi tết ta đánh úp. Hỡi ôi, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên! Dân chúng chết khá nhiều, ta hy sinh cũng không ít, nhưng việc lớn bất thành!


TẾT 1978:

Có lẽ cái tết này là tết đói rách nhất trong những cái tết số 8. Thuở ấy (chắc là do "hậu quả chiến tranh" hoặc do các "thế lực thù địch"... các thứ), nên toàn quốc ăn bo bo, thậm chí tôi còn nhớ có tay nào đó hùng hồn chứng minh bo bo bổ khỏe các kiểu, ngay cả trên đài truyền hình cũng có hướng dẫn gói bánh chưng bằng bo bo. Bo bo muôn năm!
Có câu đối tết độc đáo (hơi bốc mùi tí) thời bấy giờ không biết có ai còn nhớ, đại khái:

Hoa thơm thì không đẹp, hoa đẹp thì không thơm, hoa ngọc lan vừa thơm lại vừa đẹp.
Rắm thối thì không kêu, rắm kêu thì không thối, rắm bo bo vừa thối lại vừa kêu.


Qua mấy cái tết vắng ông cụ thân sinh, tết này cụ đã trở về hiện diện tại cái không gian trong hình trên cùng đón tết đói với đàn con. Cũng chả nhớ là mấy năm bà cụ xoay sở thế nào mà anh em tụi tôi cũng có áo quần mới, tôi thì bắt đầu mặc quần áo của ông cụ may từ trước 1975 mặc dù hơi lùng thùng một chút nhưng được cái vải "xịn" (ốc pho ốc phiếc) gì đấy, cũng gọi là có chút xuân. Bấy giờ mấy thằng bạn cùng trang lứa đa số "nhất y nhất quởn", quần áo hoặc là lùng thùng do mặc "khính" hoặc "chó táp bảy ngày không tới" vì ngắn cũn cỡn. Có tay bạn đại gia kể lại chuyện xưa mặc cảm vì cả năm chỉ "diện" cái quần bạc phếch, áo thì không biết màu nguyên thủy là màu trắng hay màu kem, đi học về giặt ngay phơi khô mai mặc tiếp. Hắn tả có vẻ thảm não lắm, tức thì một đám nhao nhao "mày làm như có mình mày, thằng nào chả thế", được cái vải ngày đó còn sót lại loại vải "tê ta rông" vừa bền vừa mát, mặt càng lâu càng mỏng, mỏng đến độ lồ lộ thịt da vẫn không rách, càng mỏng càng mát giặt lại mau khô!


Năm này thì tôi cũng đã giã từ mái trường phổ thông để chui vào học trường kỹ thuật, có được hàng tháng tí nhu yếu phẩm như đường dù chỉ là đường tán hay đường cát nâu đậm gần như đen thui, cũng gọi là có chất ngọt ngọt; thịt dù bầy nhầy bạc nhạc cũng coi như là có pờ rô tê in (protein) v...v...thế cũng tươm!

Giờ nhiều người hay chê bôi các kiểu mà không chịu so với hồi nẳm, cứ toàn so với bọn tư bổn rồi thắc mắc sao thua xa Hàn với Sing linh tinh!


TẾT 1988:

Tết này tuy chưa thoát khỏi khổ nghèo nhưng không còn phải ăn bo bo, cũng không thấy ti vi hướng dẫn làm bánh chưng bo bo và không thấy anh cu nào hô hào bo bo bổ khỏe. Thật ra đến giờ cũng không hiểu bo bo bổ thế nào, chỉ nhớ là dù luyện được cơ hàm cực khỏe nhưng đầu vào thế nào đầu ra y xì thế ấy.
Thế cũng được rồi, rõ ràng so với thời khổ thì có sướng hơn!

Năm này cũng là năm đặc biệt đáng nhớ của tôi, vì trở lại mái trường đại học sau 10 năm học nghề và hành nghề mộc, coi như chuyển từ cầm đục sang cầm bút, bút dĩ nhiên cầm nhẹ hơn, xin nhường phần lao động là vinh quang lại cho người khác, chấp nhận mang tiếng lánh nặng tìm nhẹ vậy!

Nhân vật "cu Cao" nói ở trên cũng vào đại học, tuy đủ điểm đi du học Liên Xô, nhưng không biết tại sao lại bị gạt ra, tưởng rủi hóa lại may, vì sau đó Liên Xô sập tiệm, và rồi sau đó nữa cu cậu lại được du học ở Huê Kỳ quốc! Bọn tư bổn Mỹ tuy xấu nhưng trường học của nó tốt nhất thế giới!

Những năm tháng làm công nhân ngày tết cũng có nhiều cái vui, nhu yếu phẩm cũng khá hơn hồi còn đi học kỹ thuật, tiền thưởng cuối năm A B C các thứ cũng đỡ (mặc dù mấy năm đầu hắn chuyên bị bình bầu thưởng hạng C, vì cũng ít có... ba gai, coi lãnh đạo không ra ký lô gam nào ấy mà).

Hồi ấy hầu như nhà nào cũng có gói bánh chưng (không gói lấy gì ăn!). Phải canh ngày gói bánh chưng trùng với ngày phát thịt ở xí nghiệp, chuẩn bị mọi thứ gạo đậu lá lủng các thứ đâu đó sẵn sàng, có thịt xí nghiệp là phi ngay về để gói bánh. Lại còn đi gói bánh phụ hết nhà này tới nhà kia cũng vui...như tết!


TẾT 1998:

Coi bộ tết này bắt đầu thời kỳ tươm tươi, lúc đó bầy em đã lớn (may không đem gươm đao vào xóm làng như trong nhạc phẩm Cơn Mê Chiều), mẹ cha không còn vất vả chạy ăn, tết nhất cũng không còn là nỗi niềm băn khoăn gì lớn.
Ừ nhỉ, năm nay là năm thứ ba đón tết trong ngôi nhà lầu đúc hẳn hoi thay thế cho ngôi nhà năm nào (ông thầy dạy kiến trúc từng hỏi thăm: nhà mày xây lại chưa chứ tao thấy giống nhà xóa đói giảm nghèo quá em).

Cũng lạ là mãi đến về sau này hiện diện trong những giấc mơ lại chỉ là ngôi nhà cũ chứ không phải ngôi nhà sau.


TẾT 2008:

Cứ thế những cái tết bình yên bắt đầu tuột qua dòng đời, và hắn bắt đầu...chán tết. Bắt đầu không còn cảnh kéo lũ lượt một đoàn bạn bè đến nhà thằng này xong lại đến nhà thằng kia, có nhiều khi vừa chúc tụng thằng nọ ở nhà nó, lại kéo ngược về nhà minh, lại...chúc!). Bắt đầu cảm thấy lăn tăn suy tư mỗi độ "hoa cúc hoa mai nở rồi"! Suy tư cái gì cũng...chả biết, nhiều khi suy tư chỉ là... tâm tư! Bắt đầu nhớ nhớ tiếc tiếc cái thời... tết đói, bắt đầu ngậm ngùi: "giờ bánh chưng chỉ ăn giỏi lắm là 1/8, còn hồi đó cứ điểm tâm là cậu chàng xơi một cái, lai rai trong ngày một cái nữa, vị chi là "chuyên chở" hai cái/ ngày.

Tết là tắt điện thoại, là tạm ngừng mọi liên lạc đời thường, sướng! Dĩ nhiên là sau khi giải quyết mọi việc ổn thỏa từ những ngày trong tết.


TẾT 2018:

Những các tết sau này bắt đầu là tết xuyên lục địa, tết của internet, của live stream, ngoảnh đi ngoảnh lại, đám em nay không phải đã lớn mà là đã già, rồi cũng ít có thể tập trung đông đủ - một điều mà ngày xưa (lại ngày xưa) thấy rất đơn giản dễ dàng, nhưng giờ cũng khó thực hiện!

Lại tết nữa rồi, nhanh quá, đó là câu cửa miệng của hắn và những thằng bạn của hắn trước sự vận hành theo chu kỳ của trời đất. Ở mỗi độ tuổi sẽ cảm nhận khác nhau, tất cả có lẽ do bộ não điều khiển chứ thời gian thì vận tốc trái đất vẫn vậy, một năm 365 ngày vẫn là 365 ngày thôi!

Xuân kia sáu bẩy mươi lần 
Của giời tham được độ ngần ấy thôi 
Chơi hoang mất nửa đi rồi 
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo 
Trông gương luống đã thẹn thò 
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ 
Thương thay! xuân chẳng đợi chờ 
Tiếc thay! xưa những hững hờ với xuân 
Trăm nghìn gửi lại Đông Quân 
Hãy khoan khoan tới, hãy dần dần lui 
Lượng xuân xin chớ hẹp hòi
(Xuân Cảm - Thơ Tản Đà)


Khai bút viết lăng nhăng tản mạn về những cái tết gọi là giải muộn cũng được một vài trống canh./.

Ông Tạ, mùng 8 Tết Mậu Tuất.